'Người đặc biệt' của ngành vật lý
Một nhà vật lý lý thuyết kỳ cựu, được giới khoa học trong nước kính trọng, giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao là GS.VS Đào Vọng Đức. Ông gây chú ý với quan điểm: Thế kỷ 21 này sẽ còn đánh dấu một bước tiến lớn về trí tuệ, đó là nhận thức khoa họ...
GS.VS Đào Vọng Đức sinh năm 1936. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng học giỏi, đặc biệt về môn toán. Năm 1956, GS Tạ Quang Bửu khi ấy là Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước đích thân tuyển chọn những học sinh xuất sắc ở các trường trung học sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, rồi đưa sang đào tạo tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU). Trong số đó có hai chàng trai Đào Vọng Đức quê Hà Tĩnh và Cao Chi quê Phú Yên. Cao Chi hơn Đào Vọng Đức 4 tuổi, sang nước bạn ở cùng một phòng rất hợp tính nhau. Người thính nhạy với cái mới, có tâm hồn nghệ sĩ, người đào sâu đến tận cùng điều quan tâm, tìm ra cách giải quyết độc đáo, họ trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”.
Ngày ấy MGU có những nhà khoa học lớn như L.Lanđao, giải Nobel năm 1962, V.Maslov cha đẻ của “Chỉ số Maslov” thông dụng trong toán trừu tượng, vật lý lượng tử... đến trường giảng. Mỗi lần các bậc thầy ấy đến là một sự kiện nổi bật, giảng đường chật kín. Có điều một số sinh viên sau buổi lên lớp, hay đến phòng của “cặp đôi” Việt Nam xin chép lại bài giảng vì thầy lướt nhanh quá họ không ghi kịp. Năm 1962 cả hai đều tốt nghiệp xuất sắc, Đào Vọng Đức về nước dạy tại Khoa Vật Lý, Đại học Tổng hợp và Cao Chi dạy vật lý của Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai năm sau, 2 ông lại được GS Tạ Quang Bửu chiêu mộ sang Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đupna. GS Tạ Quang Bửu ân cần căn dặn: Cần có học vị, nhưng đấy không phải là cái quan trọng nhất, các anh nhất thiết phải theo kịp trình độ khoa học tiên tiến, sau về nước tìm cách đưa nền khoa học Việt Nam tiến lên toàn diện.
Các nhà khoa học trẻ của ta sang Đupna, phải học ngày học đêm mới đủ trình độ “tương tác” được với bạn, trong đó có nhiều nhà khoa học Xô Viết nổi tiếng.
Đupna bỗng chốc quy tụ những anh tài của vật lý Việt Nam. Năm 1961 Nguyễn Đình Tứ cùng nhóm thực nghiệm quốc tế gây tiếng vang lớn khi tìm ra phản hạt hyperon sigma âm và được cấp bằng phát minh toàn liên bang, năm sau ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Toán-Lý (nay là TS); Nguyễn Văn Hiệu năm 1963 bảo vệ TS, một năm sau hoàn thành tiếp TSKH ở tuổi 24, trở thành TSKH trẻ nhất, trưởng nhóm nghiên cứu lý thuyết năng lượng cao. Đến năm 1968 Cao Chi có bứt phá ngoạn mục, hoàn thành luận văn Tiến sĩ với đề tài “Đa tuyến hữu hạn và đa tuyến vô hạn bậc cao trong Lý thuyết đối xứng”.
Đặc biệt, nhà vật lý Đào Vọng Đức từ buổi đầu cũng theo đuổi Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, bảo vệ TS vào năm 1975, sau đó 9 năm ông còn trở lại Đupna lần nữa, hoàn thành học vị TSKH. Nghiên cứu vật lý lý thuyết hoàn toàn không có thực nghiệm, đòi hỏi trí tưởng tượng cao siêu kết hợp tư duy logic sâu sắc nhằm mô phỏng, tìm ra quy luật của vật chất trong thế giới vi mô và vĩ mô thông qua nhiều công cụ toán hiện đại, như: tôpô, hình học vi phân, hình học đại số, nhóm đồng điều.... GS Đào Vọng Đức được giới chuyên môn đánh giá rất cao về kỹ năng tính toán và có khi ông còn trợ giúp được các đồng nghiệp. Ông đã công bố khoảng 100 công trình trên các tạp chí vật lý trong nước, quốc tế uy tín. Về nước vừa nghiên cứu vừa giảng dạy, ông đã hướng dẫn thành công 15 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ, hiếm có nhà khoa học nào đạt đến con số đào tạo như vậy. Con gái “rượu” của bạn Cao Chi được ông hướng dẫn luận văn Tiến sĩ, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội. Ông từng là Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Vật lý nhiều khóa và năm 1988 được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thế giới thứ ba có trụ sở tại Trieste, Italy.
Tôi may mắn được sớm quen biết rồi thành thân thiết, nhiều năm gắn bó với GS Đào Vọng Đức. Những năm 80- 90 của thế kỷ trước, không hiểu sao ngày ấy xã hội nổi lên nhiều hiện tượng kỳ lạ, như: dùng “năng lượng tự thân” chữa bệnh, tìm mộ từ xa, nói chuyện với người âm, trồng lúa bằng nhân điện, thấu thị,... Làm báo khoa học, tôi hay đi vào những hiện tượng có sức hấp dẫn người đọc ấy, chỉ nêu khách quan những gì mắt thấy tai nghe không chứ không bình luận. Ngay từ đầu GS Đức cũng đồng cảm với các bài báo của tôi và với tư cách nhà vật lý lý thuyết ông tỏ rõ quan điểm của mình: “Dĩ nhiên rằng mỗi lĩnh vực khác nhau thì cách tiếp cận sẽ phải khác nhau về chất và thường đòi hỏi phải đưa vào các khái niệm hoàn toàn mới, các hệ tiên đề hoàn toàn xa lạ với những điều đã biết trước đây, đặc biệt khi nghiên cứu các hiện tượng siêu tinh tế... Trên tinh thần đó chúng tôi hoan nghênh cuốn sách “Dị nhân quanh ta” của nhà báo-nhà văn Phạm Quang Đẩu nhằm mục đích đưa đến cho chúng ta các thông tin về khả năng đặc biệt của con người” (Lời tựa, tháng 8/1997).
Đến hôm nay, GS Đào Vọng Đức đã ở tuổi đại thọ, khỏe mạnh và đầu óc mẫn tiệp, trước hết là nhờ ông có cách “thể dục trí não” hiệu quả, thực hành đều đặn tại gia. Nhiều buổi đến thăm, tôi còn được nghe ông giảng giải về các dạng tiềm năng con người, hướng dẫn tôi thực hành khai mở “luân xa” để đón nhận năng lượng từ trời đất. Ông cho rằng thế kỷ 21 này sẽ còn đánh dấu một bước tiến lớn về trí tuệ, đó là nhận thức khoa học và tâm linh không hề đối nghịch nhau mà là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau. Suy nghĩ của ông cũng có nhiều điều phù hợp với nhận định của A. Einstein, người khai sáng Thuyết Tương đối, Thuyết Lượng tử, rằng khoa học, tôn giáo, nghệ thuật là “các cành nhánh của cùng một cây” và “cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được chính là sự bí ẩn”.
Những năm gần đây, GS Đào Vọng Đức còn viết nhiều sách chuyên khảo. Sách không dành cho đông đảo bạn đọc, nhưng vì trân trọng tình bạn mỗi khi ra cuốn mới ông đều tặng tôi. Cuốn “Lý thuyết tương đối rộng với không thời gian đa chiều” (NXB Khoa học kỹ thuật, 2015) lời đề tặng là một bài thơ cảm động: Chiều thu đón bạn đến thăm nhà/Hàn huyên ôn chuyện những năm qua/Kỷ niệm dạt dào thời dĩ vãng/Tình cảm đôi ta thật chẳng nhòa (Hà Nội 15/10/2015). Tôi còn ấn tượng với cuốn Từ Thuyết Lượng tử đến máy tính lượng tử (NXB Khoa học và kỹ thuật, 2013) ông viết chung với nhà vật lý trẻ TS Phù Chí Hòa, Đại học Đà Lạt. Trong lời nói đầu tác giả viết: “Bản thảo được hoàn thành trong dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu truyền thống. Các tác giả xin thành kính dâng tặng anh linh các bậc phụ mẫu...”. Tôi hiểu, với ông viết công trình hay viết sách khoa học là để trả nghĩa cho đời, báo hiếu cha mẹ. Từ lâu ông nén trong lòng một nỗi đau, vào thời kỳ chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc, thân phụ và thân mẫu của ông ở quê đều đã tử nạn trong một lần địch ném bom, lúc đó ông đang làm việc ở nước ngoài. Vì thế mỗi khi có được thành tựu, có sản phẩm trí tuệ cũng là cách làm vơi đi phần nào nỗi đau sâu thẳm trong lòng người con chí hiếu ấy. Khi tôi viết những dòng này thì người bạn “thuở MGU” của GS Đào Vọng Đức là GS Cao Chi đã bước qua tuổi 90 và bệnh tật không ngừng đeo bám, song ông vẫn minh mẫn cập nhật kiến thức để viết sách. Cuốn gần đây nhất ông gửi tặng tôi (tháng 7/2016): Vật lý hiện đại, những vấn đề thời sự từ Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh-NXB Tri thức, đã được giới vật lý cũng như người ngoài ngành quan tâm đến phát triển vật lý hiện đại đón nhận nồng nhiệt. Đúng như đánh giá của lãnh đạo nhà xuất bản, một người cùng nghề với tác giả: “... bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách này nhiều điều bổ ích, mới lạ và thời sự; đồng thời cũng cảm nhận được phần nào vẻ đẹp thuần khiết, hài hòa và thống nhất của vũ trụ dưới ngòi bút khoáng đạt và duyên dáng”.
Nổi tiếng là vậy, nhưng lại trắc trở trong đời tư, nhiều năm nay nhà vật lý Đào Vọng Đức sống đơn thân trong một căn nhà giản dị ở cuối phố Đội Cấn (Hà Nội). Ông có căn cốt của một thiền sư, nhưng không phải ẩn sĩ mà luôn sống hòa đồng với mọi người. Đằng sau những thành tựu nghiên cứu của ông là cả một nỗ lực làm việc đầy sức sáng tạo, cùng một nghị lực lớn lao vượt qua bệnh tật, tuổi già, nỗi cô đơn. Trong gian buồng cạnh nơi ông ngồi làm việc có đặt một cây đàn piano, ông bảo lúc cần làm cho đầu óc thư thái, thoát khỏi những con số khô khan ông thường dạo một bản nhạc nào đó. Ông còn biết chơi đàn đáy khá điêu luyện và quen thân với nhóm ca nhạc dân tộc, thỉnh thoảng lại cùng họ tổ chức các buổi hát chầu văn cho đông đảo công chúng thưởng lãm tại Bảo tàng Dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên, hay một thính phòng nào đó ở Hà Nội.
Từ lâu vị giáo sư đáng kính ấy đã luôn hướng tới chân-thiện-mỹ ở đời bằng cách nhìn và hành xử của một nhà khoa học lão thực, giản dị, minh triết. n