Friday, Dec 21, 08:12 AM

Cảnh báo tình trạng website doanh nghiệp bị giả mạo tràn lan

Thời gian gần đây, rất nhiều các website của các doanh nghiệp liên tục bị giả mạo. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là khi các website giả mạo là những trang kinh doanh thươ...

Cảnh báo tình trạng website doanh nghiệp bị giả mạo tràn lan
Cảnh báo tình trạng website doanh nghiệp bị giả mạo tràn lan

Tràn lan website giả mạo

Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC – thuộc Cục An toàn thông tin), Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) - Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa ra cảnh báo các trang website (web) giả mạo tới người tiêu dùng, nhất là từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay.

canh-b225o-t236nh-trang-website-doanh-nghiep-bi-gia-mao-tr224n-lan_1.jpg
Một website giả mạo ngân hàng Vietcombank với giao diện, logo, tên miền giống gần như hoàn toàn.

Theo đó, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, thậm chí cả các web của cơ quan nhà nước cũng bị kẻ xấu giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng. 

Nhiều đối tượng cũng làm giả các web của những thương hiệu nổi tiếng để hoạt động kinh doanh, buôn bán, cung cấp các mặt hàng, dịch vụ của các thương hiệu này. Thậm chí sử dụng cả hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để kinh doanh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. 

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, việc giả mạo trang web, trang fanpage của doanh nghiệp chắc chắn là nhằm mục đích xấu. Có thể là lợi danh nghĩa doanh nghiệp lớn để kinh doanh, nghiêm trọng hơn là để buôn bán hàng giả hoặc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

canh-b225o-t236nh-trang-website-doanh-nghiep-bi-gia-mao-tr224n-lan_2.jpg
Web giả mạo thương hiệu của doanh nghiệp.

Có thể các đối tượng làm giả trang mạng của doanh nghiệp có uy tín, sản xuất hàng hóa giả nhãn hiệu xuất xứ của các đơn vị này rồi đăng bán trên các trang đó. Cả hàng hóa và trang bán hàng hóa đều là giả mà người mua hàng có thể không biết.

Cũng có thể các đối tượng mạo danh doanh nghiệp tung ra các gói khuyến mại, các chương trình cho khách hàng mà ở đó người tiêu dùng phải bỏ ra một số tiền nhất định. Nhưng rồi các đối tượng này bằng những thủ đoạn tinh vi lại chiếm đoạt luôn số tiền đó.

Theo Luật sư Hùng, doanh nghiệp càng lớn, càng uy tín thì lại càng bị giả mạo nhiều. Gần đây không chỉ có hiện tượng giả mạo doanh nghiệp mà đến các cơ quan nhà nước, các cơ quan cấp Trung ương cũng có thể bị lập trang web giả mạo để phục vụ mục đích xấu. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng mạng, dễ mắc lừa các đối tượng giả mạo.

canh-b225o-t236nh-trang-website-doanh-nghiep-bi-gia-mao-tr224n-lan_3.jpg
Vietcombank lên tiếng cảnh báo với khách hàng.

Nâng cao cảnh giác

Luật sư nhấn mạnh, người dùng mạng cần nâng cao cảnh giác, trang web giả dù có tinh vi đến mấy thì vẫn có thể nhận ra, nội dung cũng không phong phú như web thật được.

Đối với các fanpage mạo danh, người dùng cũng có thể phân biệt thông qua số lượt tương tác của người dùng trên đó. Tài khoản Facebook thật, chính chủ thường có dấu tích xanh và số người like, theo dõi hay tương tác lúc nào cũng nhiều hơn trang giả mạo. Mọi người hoàn toàn có thể nhận ra qua dấu hiệu này.

“Khó khăn lớn trong việc xử lý các đối tượng giả mạo người khác trên mạng là việc xác minh danh tính thật sự của những người này. Bởi vì họ chỉ núp bóng người khác hoạt động trên môi trường mạng, không ai biết đứng đằng sau các trang mạng giả mạo đó là ai. Có thể biết rõ một trang web là giả, có thể “đánh sập” nó nhưng không phải lúc nào cũng tìm được người lập ra nó”, Luật sư nói về những khó khăn trong quá trình xử lý.

Không những vậy, nhiều trường hợp cứ đóng cửa trang này thì trang khác lại mọc lên do cùng một người có thể quản lý nhiều trang giả mạo khác nhau cùng một lúc. Hơn nữa nếu các đối tượng lập ra các trang giả mạo ở nước ngoài thì càng khó xử lý. Do vậy, theo Luật sư, việc xác định danh tính của các đối tượng giả mạo là điều khó khăn nhất trong hoạt động phát hiện xử lý vi phạm.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư cho hay, người có hành vi giả mạo trang thông tin của tổ chức cá nhân khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người có hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức cá nhân khác bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp hành vi giả mạo thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, gây dư luận xấu hoặc làm ảnh hưởng xấu đến cơ quan tổ chức thì người có hành vi giả mạo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo điểm a khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này bị phạt tối đa 7 năm tù. Trường hợp giả mạo cơ quan tổ chức cá nhân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay buôn bán hàng giả thì bị xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “Sản xuất buôn bán hàng giả” tương ứng.

ho36231ng-chi36231n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/canh-bao-tinh-trang-website-doanh-nghiep-bi-gia-mao-tran-lan-5675469.html Copylink