Sunday, May 22, 06:05 AM

Chuyển đổi số: Chọn trọng tâm, trọng điểm

Chuyển đổi số là câu chuyện được đặt ra đối với tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Chuyển đổi số thời gian qua cũng được đưa ra bàn luận tại nhiều diễn đàn, với hi vọng tháo gỡ một số vướng mắc. Mới đây, tại Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Qu...

Chuyển đổi số: Chọn trọng tâm, trọng điểm
Chuyển đổi số: Chọn trọng tâm, trọng điểm
chuyen-doi-so-chon-trong-t226m-trong-diem_1.jpeg
Chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển nông nghiệp trong thời 4.0.  

Doanh thu kinh tế số quý I ước đạt 53 tỷ USD

Theo Bộ TTTT, thời gian qua, chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét: 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai: Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, bao gồm trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh…).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Nhấn mạnh đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế ngày càng tăng, Bộ TTTT ước tính, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (triển khai Quyết định 06 - đã tích thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4). Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt xã hội số, với trọng tâm là công dân số được chú trọng phát triển, một số ứng dụng của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động toàn dân.

Thủ tướng chỉ rõ, có Chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số thì không thành công. Trong quá trình này, cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên, có sức lan tỏa, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, manh mún... Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số.

Trước đó, dự lễ công bố, kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tổ chức, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế phải đi đầu trong chuyển đổi số và thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế.

Theo đó, thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030, ngày 21/11/2021, Bộ Tài chính đã công bố triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. Các địa phương này chiếm khoảng 60% lượng doanh nghiệp và khoảng 70% hóa đơn điện tử của cả nước.

Đồng thời, Bộ chuẩn bị để triển khai hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố còn lại để đến trước ngày 1/7/2022, đảm bảo bao phủ hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.

chuyen-doi-so-chon-trong-t226m-trong-diem_2.jpg
Trong chuyển đổi số, trình độ kỹ thuật của người lao động tại doanh nghiệp rất quan trọng.  

Sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ

Cũng trong thời gian qua, chuyển đổi số được đưa ra tại rất nhiều diễn đàn nhằm thúc đẩy vấn đề này sao cho chuyển đổi số tại Việt Nam bắt kịp xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Minh chứng cho hiệu quả của chuyển đổi số, tại tọa đàm với chủ đề “Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch” mới đây, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nền tảng số đã đóng góp rất lớn cho sự duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch.

Minh chứng thể hiện ở những con số như thương mại điện tử vẫn luôn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng là 2 con số. Cụ thể, năm 2020, duy trì được tốc độ tăng trưởng là 18%, năm 2021 là 16% và thương mại điện tử Việt Nam vẫn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Những thành tựu đó cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là sự đóng góp rất lớn của thương mại điện tử.

Ở một lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế nông nghiệp, vấn đề chuyển đổi số đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Ví dụ Phúc Sinh Group, một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nông sản ở TP HCM, nhờ đầu tư cho chuyển đổi số nên đã có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho biết, Phúc Sinh đã ứng dụng hệ thống ERP (tích hợp các phần mềm từ kế toán, nhân sự, bán hàng… phục vụ tất cả hoạt động của doanh nghiệp) từ năm 2007.

Hiện Phúc Sinh vẫn tiếp tục đầu tư cho chuyển đổi số với đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin không phải để viết phần mềm mà để kết nối giữa các công ty phần mềm bên ngoài và nội bộ. Việc số hóa giúp việc quản lý công ty minh bạch, dễ dàng với ít nhân sự.

Bàn về vấn đề chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”. Bộ NNPTNT đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp minh bạch – trách nhiệm - bền vững.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Với vai trò định hướng, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí. Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ.

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí. Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng

minh-h41350i
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-chon-trong-tam-trong-diem-5685764.html Copylink