Đã đến lúc con người học cách 'sống chung với cháy rừng'?
Một báo cáo do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố ngày 23/2 cho thấy đã đến lúc con người cần học cách sống chung với lửa và thích nghi với sự gia tăng về tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các đám cháy rừng trên toàn cầu.
Cháy rừng đã bùng phát dữ dội trên toàn cầu những năm gần đây với tần suất dày đặc, một bằng chứng rõ ràng nhất về cuộc khủng hoảng khí hậu đang tàn phá Trái đất từng ngày. Và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Theo phân tích của báo cáo do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 23/2, số lượng các vụ cháy rừng nghiêm trọng sẽ tăng lên 14% vào năm 2030. Đến năm 2050, mức tăng sẽ lên đến 30%.
Ngay cả với những nỗ lực tham vọng nhất của con người trong việc cắt giảm lượng khí thải giữ nhiệt, báo cáo vẫn cho thấy những hậu quả ngắn hạn đều đã được định trước.
Andrew Sullivan, cán bộ nghiên cứu chính của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học, Khối thịnh vượng chung cho biết: “Mặc dù tình hình đang ngày càng nghiêm trọng và việc loại bỏ nguy cơ cháy rừng là không thể, nhưng cộng đồng vẫn có thể giảm thiểu mức độ rủi ro”.
“Các đám cháy rừng vượt tầm kiểm soát và có sức tàn phá mạnh mẽ lại đang trở thành một quá trình tất yếu diễn ra theo mùa ở nhiều khu vực trên thế giới”, Sullivan khẳng định tại cuộc họp báo hôm 21/2.
“Những nơi đã từng xảy ra cháy rừng trong lịch sử, tần suất có thể tăng lên; tuy nhiên, ở những vùng đất khác, những đám cháy có thể bắt đầu trở nên phổ biến hơn”.
Cháy rừng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của xã hội bao gồm sức khỏe cộng đồng, sinh kế con người, sự đa dạng sinh học và thậm chí cả biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu của UNEP, bao gồm hơn 50 chuyên gia từ các trường đại học, cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế trên khắp thế giới cho biết, báo cáo này đóng vai trò như một ‘lộ trình’ để thích ứng với một thế giới đang bốc cháy.
Thay đổi mô hình đám cháy
Ngọn lửa luôn đóng một vai trò quan trọng đối với nhiều hệ sinh thái đang tồn tại trên Trái đất. Chúng phục hồi chất dinh dưỡng của đất, giúp cây nảy mầm và loại bỏ các chất thối rữa.
Nếu không có các đám cháy nhỏ, những tán lá mọc um tùm như cỏ dại và cây bụi có thể khiến nhiều khu rừng bùng cháy tồi tệ hơn, đặc biệt là trong các đợt nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt.
Việc đốt các phần đất có chủ đích trong lịch sử đã ngăn chặn được những đám cháy lớn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn.
Người dân bản địa trên khắp các vùng đất đã áp dụng phương pháp phòng ngừa này, thường được gọi là "điều khiển ngọn lửa", trong hàng nghìn năm qua.
Nhưng khi con người bắt đầu tăng nhiệt cho hành tinh, khai phá thêm nhiều vùng đất, tạo ra các chính sách ngăn chặn hỏa hoạn trong khi vẫn lơ là quản lý rừng, những đám cháy đã trở nên chết chóc và tàn phá dữ dội hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của UNEP, những yếu tố trên đã thay đổi mạnh mẽ "hỏa lực" - thường được hiểu là dạng thức, tần suất và cường độ của các đám cháy xảy ra tại một khu vực trong khoảng thời gian dài.
Những đám cháy hiện nay thường kéo dài với mức nhiệt cao hơn ở những khu vực đã từng xảy ra hỏa hoạn trong lịch sử.
Trong khi đó, các đám cháy cũng bùng phát và lan rộng hơn ở những nơi con người không ngờ tới, bao gồm cả các vùng đất ngập nước, vùng đất than bùn khô và trên lớp băng vĩnh cửu đang tan dần ở Bắc Cực.
Tim Christophersen, người đứng đầu Chi nhánh Thiên nhiên vì Khí hậu tại UNEP cho biết: “Điều đáng chú ý là có những hệ sinh thái bắt đầu bị đốt cháy mà chúng ta chưa từng nghĩ tới. Ví dụ, nhiều vùng đất ngập nước, như tên gọi của chúng, bạn sẽ nghĩ rằng chúng không thể bắt lửa, nhưng những ngọn lửa đã nói lên điều ngược lại. Thậm chí ngày càng nhiều đám cháy xuất hiện tại Bắc Cực, nơi mà chúng có thể được đưa vào sách đỏ cho động vật quý hiếm”.
Cháy rừng, thường bùng phát do sét đánh hoặc từ hoạt động của con người, đã ngày càng xảy ra thường xuyên hơn do những tác động của biến đổi khí hậu.
Ví dụ, các nhà khoa học nhận thấy rằng biến đổi khí hậu đã làm cho các điều kiện thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, góp phần thúc đẩy các mùa cháy hủy diệt như năm 2019-2020 ở Australia có khả năng xảy ra cao hơn 30%.
Các vụ hỏa hoạn ngày càng gây hại nhiều hơn đối với sức khỏe cộng đồng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tiếp xúc với khói từ các đám cháy rừng hàng năm đã dẫn đến hơn 30.000 ca tử vong trên 43 quốc gia.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự xuất hiện các chất bụi dạng hạt mịn từ khói cháy rừng vào năm 2020 đã dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh và tử vong do đại dịch Covid-19 ở Mỹ, đặc biệt là tại các bang như California, Oregon và Washington.
Những đám cháy rừng cũng đang trở nên tốn kém hơn. Tại Mỹ, báo cáo của UNEP ghi nhận dữ liệu từ Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia cho thấy, chi phí chữa cháy liên bang trung bình hàng năm đã tăng vọt lên 1,9 tỷ USD vào năm 2020 - tăng hơn 170% chỉ trong vòng một thập kỷ.
Thay đổi trong suy nghĩ
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết các chính phủ đã không học hỏi từ quá khứ, và họ đang kéo dài những điều kiện không có lợi cho môi trường và nền kinh tế trong tương lai.
“Thế giới cần thay đổi lập trường của mình đối với cháy rừng - từ phản ứng sang chủ động - vì các đám cháy sẽ gia tăng tần suất và cường độ, do hệ quả từ biến đổi khí hậu”, ông Christophersen khẳng định. “Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều phải chuẩn bị tốt hơn”.
Báo cáo dự đoán rằng khả năng xảy ra các sự kiện dữ dội, tương tự như trận cháy rừng được gọi là "Mùa hè đen" ở Australia vào năm 2019-2020, hoặc đám cháy kỷ lục ở Bắc Cực năm 2020, sẽ tăng lên tới 57% vào cuối thế kỷ này.
Do các điều kiện tự nhiên luôn thay đổi, các nhà nghiên cứu cho rằng chính quyền và các nhà hoạch định chính sách cần làm việc song song với cộng đồng địa phương, mang lại kiến thức chuyên môn và đầu tư tiền bạc để ngăn chặn những đám cháy rừng bùng phát ngay từ đầu, nhằm giảm thiệt hại và mất mát xảy ra sau đó.
Các nhà nghiên cứu của UNEP gợi ý rằng các chính phủ nên áp dụng “công thức sẵn sàng chữa cháy”, trong đó cam kết 2/3 chi tiêu dành cho việc lập kế hoạch, phòng ngừa, chuẩn bị và phục hồi, chỉ 1/3 dành cho việc ứng phó với các thiệt hại và tổn thất.
“Công thức này cần được điều chỉnh phù hợp với từng bối cảnh khu vực và quốc gia”, ông Christophersen cho biết. “Nhưng nói chung, đó là sự chuyển hướng từ việc đầu tư vào ứng phó sang phòng ngừa, lập kế hoạch và phục hồi”.