Đưa robot vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Bên cạnh các chuyên gia và y, bác sĩ giỏi chuyên môn, thì các công nghệ, thiết bị như robot cũng được đưa vào các trung tâm hồi sức tích cực tại TPHCM. Robot sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài; vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
Robot của BV Trung ương Huế đưa vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TPHCM. Ảnh: Báo SKĐS |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM cho biết, cũng như các trung tâm khác, Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Trung ương Huế được chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Các thiết bị đều rất hiện đại, vật tư y tế, thuốc men được huy động đầy đủ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng.
GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, máy thở, oxy, robot và các thiết bị khác đã lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Tất cả y, bác sĩ đều đã xác định làm việc với tinh thần cao nhất. Hiện đã có gần 400 y, bác sĩ có mặt tại trung tâm, trong đó chủ lực là các thầy thuốc của BV Trung ương Huế, cùng các đồng nghiệp tại BV C Đà Nẵng, BV Việt Nam-Cuba Đồng Hới, BVĐK Trung ương Quảng Nam…
Đặc biệt, BV Trung ương Huế đã đưa 3 robot vào hoạt động tại Trung tâm Hồi sức tích cực ở TPHCM do BV quản lý. ThS. Huỳnh Phúc Minh - người nghiên cứu, sản xuất ra robot này tại BV Trung ương Huế, chia sẻ, đây là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, nên các bác sĩ đều xác định giảm nhẹ tình trạng của bệnh nhân nặng là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh các chuyên gia, y, bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, thì công nghệ và thiết bị như robot cũng đã đưa vào hoạt động.
Robot này có thể thay thế đội ngũ nhân viên y tế ở công đoạn vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, vật tư tiêu hao… giúp y bác sĩ giảm áp lực và giảm tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị, đồng thời góp phần giảm lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Robot còn có thể nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài.
Song song với việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, BV Trung ương Huế đã kết nối với Quận 10, Quận 12, quận Tân Phú… để hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 ở các quận này.
Trung tâm Hồi sức tích cực ở TPHCM do BV Trung ương Huế phụ trách được chia thành 4 nhóm giường, gồm 90 giường hồi sức nguy kịch, 162 giường hồi sức nặng, 252 giường thoát hồi sức và bệnh nhân nặng phải thở oxy, 100 giường bệnh nhân theo dõi. Ngoài ra còn 8 giường cấp cứu và đón bệnh nhân.
HM