Giải mã bí ẩn Covid-19
Một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dịch Covid-19 là phần lớn trẻ em lại vượt qua được sự nguy hiểm không xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như người lớn.
Khi Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 rồi bắt đầu lây lan khắp thế giới, các nhà khoa học đã cố gắng nghiên cứu về virus này để tìm ra cách thức chống lại nó. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn tiếp tục thử các kỹ thuật khác nhau để cứu chữa cho những bệnh nhân Covid-19 thể nặng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Trong số những bệnh nhân đó có cả trẻ em. Từ đây một câu hỏi lớn cho các chuyên gia sức khỏe cộng đồng rằng, tại sao có nhiều đứa trẻ không bị bệnh nặng hoặc tử vong khi mắc Covid-19.
Tiến sĩ Andrew Freedman, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Cardiff của Anh cho biết: “Trước đó, đã có một số giả thuyết như trẻ em có hệ thống miễn dịch bẩm sinh hiệu quả hơn, ít có phản ứng miễn dịch quá mức, ít mắc bệnh lý nền hơn người lớn và có ít thụ thể ACE-2 ở đường hô hấp trên - nơi virus SARS-CoV-2 bám dính để xâm nhập và lây nhiễm cho các tế bào”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Andrew Freedman, hiện tượng này vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ và cần phải có nhiều nghiên cứu chính xác hơn. Song ông Freedman nhấn mạnh, đã có một số bằng chứng cho thấy Covid-19 gây rủi ro ít hơn cho trẻ em.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tình trạng bệnh nghiêm trọng sẽ tăng lên theo độ tuổi của người mắc Covid-19, bởi khi đó, hệ thống miễn dịch phản ứng chậm hơn và kém hiệu quả hơn trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, việc mang trong mình một số bệnh nền cũng có thể khiến người lớn có nhiều khả năng bị bệnh nặng hơn.
Đã có một số nghiên cứu gần đây xem xét sự khác biệt giữa phản ứng miễn dịch đối với Covid-19 của người lớn và trẻ em. Những nghiên cứu này phát hiện ra sự khác biệt cơ bản giữa 2 loại phản ứng trên, đồng thời cho thấy, trẻ em có phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ hơn.
Bà Kristin Mondy, Trưởng bộ phận phụ trách các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Dell thuộc Đại học Texas, cho biết, trong số rất nhiều giả thuyết hiện đang được lưu hành, giả thuyết nhận được nhiều ủng hộ nhất là trẻ em có phản ứng miễn dịch bẩm sinh tốt hơn so với người lớn, đặc biệt là ở mô niêm mạc mũi, nơi các tế bào miễn dịch có thể kiểm soát và tiêu diệt virus nhanh hơn so với người lớn.
Điều này có nghĩa là trẻ em dễ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hơn, một tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức đối với Covid-19, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan khác ngoài phổi (thường là tim, hệ tuần hoàn và đường tiêu hóa).
Một lợi thế khác mà trẻ em có chính là khả năng tiếp xúc với nhiều virus hơn trong môi trường trường học. Loại virus phổ biến nhất mà trẻ em thường mắc phải là cảm lạnh và chúng thường do một số loại virus gây ra như virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus corona.
Virus corona là một họ virus thường gây ra các bệnh đường hô hấp trên từ nhẹ đến trung bình ở người nhưng một số loại đặc biệt như Covid-19, SARS và MERS đã trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Ông Ralf Reintjes - giáo sư dịch tễ học tại Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg, giải thích với CNBC rằng, hệ thống miễn dịch của trẻ em có một số lợi thế để chống lại sự lây nhiễm. “Trước hết, chúng còn trẻ hơn nên hệ thống miễn dịch của chúng cũng bị thử thách rất nhiều, bởi trong độ tuổi từ 1-2 đến 10-12, chúng đã liên tục trải qua rất nhiều bệnh nhiễm trùng”- ông Reintjes nói và thêm rằng khi hệ thống miễn dịch của trẻ em đối mặt với Covid-19, chúng đã có phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều so với những người trưởng thành, vì vậy có xu hướng ít bị lây nhiễm hơn. Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với Covid-19, bởi trẻ em thường có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác tốt hơn người lớn, mặc dù không phải trong mọi trường hợp.
“Ví dụ, hầu hết trẻ em không phát triển các triệu chứng do nhiễm trùng Viêm gan A và nhiễm trùng Epstein-Barr. Tuy nhiên, có những bệnh nhiễm trùng khác ở trẻ nhỏ lại nghiêm trọng hơn so với những trẻ lớn hơn và người lớn, chẳng hạn như RSV và cúm"- giáo sư Ralf Reintjes nói.
Một nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2021, xem xét nguy cơ tổng thể do virus gây ra đối với trẻ em cho thấy, tỷ lệ rủi ro là rất thấp đối với phần lớn trẻ em và thanh niên dưới 18 tuổi.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ một số trường đại học của Anh, nghiên cứu cái chết của trẻ em và thanh niên ở Anh từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, phân biệt giữa những người chết vì Covid-19 và những người chết vì một nguyên nhân khác nhưng tình cờ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong chỉ là 2 trường hợp trên một triệu trẻ em ở Anh.
Nghiên cứu kết luận rằng, Covid-19 rất hiếm khi gây tử vong ngay cả đối với những đứa trẻ có bệnh nền. Trong khoảng thời gian được nghiên cứu, ước tính có khoảng 469.982 trẻ em ở Anh mắc Covid-19, có nghĩa là cơ hội sống sót sau mắc bệnh của một đứa trẻ là 99,995%.
Báo cáo từ CDC Mỹ cho thấy, từ năm 2020 đến năm 2022, chỉ có 921 trường hợp trẻ từ 0-17 tuổi tử vong vì Covid-19 trong tổng số 73.508 trường hợp tử vong ở nhóm tuổi này do mọi nguyên nhân.