GS Nguyễn Quang Thạch: Đau đáu một nền nông nghiệp sạch
Hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp trong ngành sinh học, ông không ngừng nỗ lực cải tạo các công trình khoa học liên quan đến trồng cây không đất, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, và sản xuất hàng hoá hiện đại. Ông là GS.TS.NGND Nguyễn Qua...
Vị giáo sư “khoai tây”
Ở tuổi 78, thường thì người ta gác lại công việc để nghỉ ngơi, sống bình lặng bên gia đình, nhưng GS Nguyễn Quang Thạch chưa khi nào ông dừng lại công việc. Ông nói vui: Có thể người ngoài nhìn vào rồi đặt câu hỏi, tại sao ông này già rồi mà còn ham việc như vậy? Nhưng thực chất tôi thấy còn nhiều sức lực để làm việc. Tôi suốt ngày nghĩ ra việc mình phải làm, và chỉ tiếc rằng mình cao tuổi rồi. Nhưng tôi thấy còn rất nhiều việc phải làm. Như giờ phải làm thế nào để có sản phẩm hữu cơ năng suất cao, mẫu mã đẹp chứ không phải sản phẩm hữu cơ èo uột như hiện nay. Làm thế nào để có công nghệ cao ở quy mô lớn, đồng thời phải cho hiệu quả cao...”, ông trăn trở.
Nổi tiếng với áp dụng công nghệ khí canh, bằng công nghệ nuôi cấy mô, GS Nguyễn Quang Thạch đã nghiên cứu thành công sản xuất khoai tay giống sạch bệnh với nhiều bước đột phá mới, cũng là lần đầu tiên sản xuất tại Việt Nam với năng suất chất lượng không hề thua kém các giống của châu Âu mà trước đó Việt Nam phải nhập ngoại các giống khoai tây từ các nước châu âu, châu Á. Và từ việc phải nhập giống đến có thể xuất khẩu giống khoai tây. Bạn bè và đồng nghiệp yêu mến gọi ông là giáo sư “khoai tây”.
Năm 2008, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch được trao giải Nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam Vifotec. Đây là giải thưởng sáng tạo công nghệ Việt Nam–Giải thưởng công nghệ khí canh được ông và các đồng nghiệp đưa vào Việt Nam đã mở ra một triển vọng mới cho nền nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững.
Ông nói: Công nghệ khí canh cho phép chúng tôi điều khiển được nồng độ các chất dinh dưỡng, nhiệt độ của dung dịch dinh dưỡng khiến chúng tôi có thể điều khiển được quá trình hình thành củ của cây khoai tây trồng trong điều kiện khí canh.
Công nghệ khí canh là thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp của thế giới. Nó ra đời vào khoảng những năm 1980 của thế kỷ XX. Nguyên lý của công nghệ này là phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ để nuôi cây mà không trồng trực tiếp xuống đất như phương pháp truyền thống. Hoặc nhúng vào nước như phương pháp thuỷ canh. Với công nghệ khí canh, rễ cây lơ lửng trong không khí, được cung cấp nước và chất dinh dưỡng bằng phun sương và không khí xung quanh luôn được giữ ẩm. Phương pháp này làm tăng quá trình trao đổi chất của cây gấp 10 lần so với trồng cây trong đất. Cây phát triển khoẻ mạnh và cho ra sản phẩm theo ý muốn.
Tính ưu việt của công nghệ này là có thể giảm tới 90% lượng nước, 95% lượng phân bón và 99% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy năng suất cây trồng không những cao vượt trội mà sản phẩm sau thu hoạch cũng hoàn toàn sạch, nhằm đáp ứng nhu cầu về sử dụng thực phẩm an toàn của người dân.
Với những nước nắm giữ công nghệ này như Mỹ, Hàn Quốc, Australia thường không công bố rộng rãi, vì vậy các nước khác rất khó tiếp cận. Sau 10 năm theo dõi và nghiên cứu, đến đầu những năm 2000, GS Nguyễn Quang Thạch đã tìm cách đưa được phương pháp này về Việt Nam theo cách hoàn toàn mới để ứng dụng sản xuất khoai tây giống sạch bệnh và nhanh chóng thu được những kết quả khả quan, mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Ông nhớ lại: Chúng tôi nghe thông tin từ cơ quan nghiên cứu Vũ trụ NASA của Mỹ đã sử dụng công nghệ khí canh trong nhân giống khoai tây và họ tạo ra vô số củ. Điều đó kích thích chúng tôi phải làm thế nào có được công nghệ này. Đây là một để công trình khoa học, nhưng tại tìm ra con đường đi mới…
Cũng từ công nghệ khí canh GS Nguyễn Quang Thạch và các đồng nghiệp có thể chủ động điều khiển được sự sinh trưởng và hình thành củ khoai tây. Nhờ đó số lượng củ có thể đạt được từ 150 đến 200 củ mỗi cây tuỳ theo giống. Còn theo phương pháp trước đây, mỗi cây khoai tây chỉ có thể cho từ 5-10 củ mỗi cây. Đây là bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất củ khoai tây giống gốc. Nhờ đó năm 2006, ông chính thức bắt tay vào việc thực hiện đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình công nghệ sinh học Quốc gia nghiên cứu làm chủ công nghệ khí canh. Xây dựng mô hình công nghệ sinh học sản xuất khoai tây, rau, hoa sạch bệnh.
Dù đã hoàn thiện công nghệ khí canh, nhưng đến nay GS Nguyễn Quang Thạch vẫn tiếp tục nghiên cứu tìm tòi những thiếu sót để đổi mới, cải tiến. Ông nói: Nếu chỉ dừng lại ở số củ như vậy, tạo trong bồn khí canh mà chúng ta phải đầu tư không quá đắt đỏ, nhưng trong điều kiện của Việt Nam vẫn là vấn đề. Vì chúng ta không thể nhà nhà có nhà khí canh đó được. Chúng tôi nảy ra ý tưởng mới là hãy biến quá trình đưa cây cấy mô ra bồn khí canh không phải để cho nó sống mà phải khai thác ngọn của nó. Tức là chúng tôi bắt bồn dày đặc các cây cấy mô sạch bệnh ở trên bồn khí canh, để nó tạo ra rất nhiều cây. Ở những cây này chúng tôi cắt ngọn để đưa xuống các bầu đất tạo thành cây đem đi trồng đại trà. Và nếu biết căn chính xác thời điểm nào để ra cây nuôi cấy mô, sau đó để có thời gian tạo ra bồn mạ, rồi thời gian đủ để cắt ngọn. Chúng ta biết 1 cây sau 2 tháng chúng tôi đưa ra, có thể cho chúng ta 12 cây ngọn. Từ đấy có thể sản xuất hàng triệu cây trong khoảng thời gian 2 tháng. Như thế mới có thể trồng được cây khoai tây với quy mô lớn.
Còn đam mê thì chưa biết tuổi già
Cùng với cây khoai tây gắn liền với tên tuổi của GS Nguyễn Quang Thạch, thành công tiếp nối thành công, GS Nguyễn Quang Thạch đã mạnh dạn đưa công nghệ khí canh vào ứng dụng trong việc nhân giống, ươm giống cho nhiều loại cây trồng khác nhau như: hoa cẩm chướng, thược dược, ớt, dâu tây, cây dược liệu… Và người ta cũng nhắc tới ông trong việc nghiên cứu giống lan hồ điệp đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Chưa dừng lại, “tôi đang thử nghiệm ý tưởng trồng loại rau dưới điều kiện chiếu sáng nhân tạo. Nếu thành công, nó sẽ được áp dụng ngay tại các nhà hàng, phòng khách, phòng làm việc. Chừng nào còn đam mê sáng tạo, người ta sẽ chưa biết đến tuổi già”, ông cho biết.
Không chỉ trong phòng nghiên cứu với các thí nghiệm, thử nghiệm mới, ông còn xuống với người nông dân, xem các vườn trồng khoai tây tại Bắc Ninh, Bắc Giang, hay đến các nhà vườn trồng lan hoặc tìm đến mô hình nuôi cá và trồng rau thử nghiệm tại Hưng Yên…
Theo ông, để phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, bền vững. Trước hết phải xuất phát từ ý thức của cả cộng đồng, là trách nhiệm của toàn xã hội. Cần phải xác định phát triển nông nghiệp sạch là một xu hướng tất yếu đối với sự phát triển kinh tế đất nước và đời sống xã hội. Các nhà sản xuất thì phải có ý thức trách nhiệm làm sao sản xuất ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao để vừa phục vụ tiêu dùng vừa xuất khẩu.
Ông cũng cho rằng: Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện từ các nhà khoa học, doanh nghiệp đến người nông dân. Cần tạo điều kiện tốt để các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ tiên tiến ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Không nên quan niệm công nghệ cao là phải rất hiện đại, tốn kém mà phải là công nghệ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng vùng miền. Công nghệ cao phải đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Và với vai trò của một nhà giáo, GS Nguyễn Quang Thạch còn lo việc truyền thụ những kiến thức cho các lớp sinh viên. Ông không chỉ quan tâm tới việc đào tạo nhân tài mà còn đau đáu câu chuyện công ăn việc làm cho các sinh viên sau khi tốt nghệp. Ông cũng là vị giáo sư được nhiều sinh viên nước ngoài tìm đến theo học. Bởi họ đã nhìn thấy và cảm nhận được sự tâm huyết và tấm lòng của một vị giáo sư nông học nổi tiếng của Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1943, từng tu nghiệp tại Pháp và Đức. Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Viện trưởng Viện sinh học (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam). Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học và Nông nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP HCM.
Năm 2008, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch được trao giải Nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam Vifotec. Ông là người đưa công nghệ khí canh vào Việt Nam, mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, bền vững.