Mạng xã hội thời 4.0: Bài 1 - Mạng ảo, tiền thật
Sự phát triển và bùng nổ của mạng xã hội thời gian gần đây đã trở thành “mảnh đất màu” cho nghệ sĩ, KOL kiếm tiền với mức thu nhập khủng.
Dễ dàng kiếm tiền tỉ
Với số lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram…, người dùng dễ dàng trở thành những người có thu nhập “khủng”, từ vài chục triệu đến tiền tỷ mỗi tháng.
Những con số “biết nói” mà TikToker, KOL hay người nổi tiếng… chia sẻ về mức thu nhập lớn từ mạng xã hội đã không còn là câu chuyện quá xa lạ với nhiều người dù thu nhập cá nhân luôn là câu chuyện nhạy cảm.
Trong nhiều video trên TikTok và trả lời phỏng vấn, TikToker Long Chun đã tiết lộ số tiền kiếm được nhờ mạng xã hội này.
Theo đó, Long Chun thẳng thắn chia sẻ: “Tháng nào ít thì thu nhập của mình vài trăm, tháng nào cao điểm, nhiều công việc thì mình kiếm được cả gần 1 tỷ. Cái đó là mình nói thật chứ không hề chém gió…”.
Những chia sẻ của anh chàng sở hữu 5,3 triệu lượt theo dõi trên TikTok này ngay lập tức nhận về nhiều ý kiến trái chiều, trong đó rất nhiều cư dân mạng cho rằng Long Chun đang “nổ” quá đà. Ngay sau đó, Long Chun cũng livestream thẳng thắn giải thích và phân tích về thu nhập của mình.
Tương tự, Tun Phạm cũng là một Tiktoker nổi tiếng với 2,8 triệu người theo dõi. Anh gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng những clip hài hước, vui nhộn.
Mới đây, Tun Phạm cũng sản xuất thêm một series có tên “Đắp chăn nằm nghe Tun kể” trên kênh YouTube thu hút lượng lớn người xem.
Theo những bức hình đăng tải trên story Instagram của Tun Phạm cách đây không lâu, anh chàng đã công khai loạt tin nhắn tiền về trong tài khoản cá nhân trong vòng một tuần. Đáng nói, con số “ting ting” này khiến không ít người phải ngã ngửa khi chỉ tính riêng trong 1 tuần, thu nhập của anh chàng sinh năm 97 đã lên đến hơn 100 triệu đồng.
Trước đó, Tun Phạm cũng thẳng thắn đăng tải bảng báo giá quảng cáo cho những ai tò mò. Cụ thể, chỉ với một tấm ảnh đăng trên Facebook hoặc Instagram, Tun Phạm đã có thể thu về 12 triệu đồng/post ảnh.
Đối với các clip trên hai nền tảng trên, mức giá sẽ là 13 triệu đồng/clip và 15 triệu đồng/clip nếu tự nghĩ kịch bản.
Ngoài ra, hàng loạt Tiktoker khác cũng đua nhau khoe mức thu nhập từ mạng xã hội lên đến 9 chữ số của mình. Có thể kể đến những cái tên đình đám giới TikTok như Lê Bống, Hải Ninh Nguyễn, Duy Muối...
Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, đất diễn trên các sân khấu, show truyền hình thu hẹp, rất nhiều nghệ sĩ cũng bắt tay vào cuộc đua kiếm tiền trên mạng xã hội, trong đó TikTok trở thành nền tảng mà nhiều "sao" hướng đến.
Kiếm tiền trên mạng xã hội như thế nào?
Với mức thu nhập khiến ai cũng mơ ước như vậy, không ít người cũng chuyển hướng sang sản xuất nội dung, đẩy mạnh truyền thông cá nhân để trở thành những KOL, người nổi tiếng.
Một trong những cách phổ biến để kiếm tiền trên các mạng xã hội này là tiếp thị liên kết. Theo đó, các KOL, người nổi tiếng sẽ đề xuất, giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó kèm theo các đường link dẫn.
Nếu khán giả quan tâm và thực hiện việc mua hàng thông qua link dẫn đó, KOL sẽ nhận được hoa hồng từ sản phẩm với mức hoa hồng từ 5-30%, thậm chí 50% đối với một số “mặt hàng” đặc biệt.
Các đối tác chủ yếu với TikToker Việt Nam là sàn thương mại điện tử Shoppee, Lazada…
Ngoài ra, một cách phổ biến khác để kiếm tiền trên mạng xã hội là sản xuất các nội dung review, đánh giá sản phẩm, dịch vụ.
Cụ thể, các nhãn hàng sẽ mời KOL, người nổi tiếng đến trải nghiệm, sử dụng dịch vụ của mình hoặc viết bài quảng cáo, kêu gọi người dùng sử dụng. Thu nhập của loại hình này phụ thuộc vào độ nổi tiếng, lượt người theo dõi trên mạng xã hội và sự phù hợp với nhãn hàng.
Bên cạnh đó, rất nhiều KOL sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra các sản phẩm mới và kinh doanh trên chính sản phẩm đó.
Ở tầm cao hơn, các KOL có thể trở thành đại sứ độc quyền của các nhãn hàng/ thương hiệu thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội. Ở “tầm” này, mức thu nhập cũng thuộc hàng “top”.
Có thể nói, sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay đang tạo ra một sân chơi đầy cạnh tranh sáng tạo, có thể biến bất cứ ai trở thành những người có tầm ảnh hưởng với mức thu nhập đáng mơ ước.
Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội cũng chính là con dao hai lưỡi khi đây cũng là nguồn cơn của rất nhiều drama, ồn ào và thị phi.
Thông tin trên mạng xã hội tràn ngập “fake news”, độc hại; nhiều người biến sự ảnh hưởng của mình để quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Thậm chí biến mạng xã hội thành nơi thao túng đám đông, chia rẽ đoàn kết…
(Còn nữa)