Ngôi nhà tái chế trong thị trấn ‘không rác thải’ ở Nhật Bản
Những tấm ván gỗ tuyết tùng màu đỏ tía với 700 ô cửa sổ ngẫu nhiên đã tạo nên một tấm chăn bông bằng kính chắp vá trên nền những đỉnh núi và khu rừng xanh ngát ở thị trấn ‘không rác thải’ Kimikatsu.
Trung tâm không rác thải Kamikatsu tại Kamikatsu – một thị trấn nằm ở quận Katsuura, tỉnh Tokushima, luôn có một vẻ ngoài rất ấn tượng, ít nhất phải nói rằng; ngôi nhà tráng lệ hơn so với những gì con người có thể tưởng tượng về một kiến trúc được xây dựng từ rác thải.
Được khai trương vào năm 2020 giữa đại dịch Covid-19, trung tâm này đã trở thành trái tim xanh cho cộng đồng thị trấn Kamikatsu.
Theo Hiroshi Nakamura, kiến trúc sư trưởng của dự án đồng thời là người sáng lập NAP Architectural Consulting, trung tâm Kamikatsu mới được xây dựng để hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của thị trấn là đạt được 100% không gian ‘không có rác thải’, thay thế một ‘lán nhà lắp ghép’ trước đây là nơi phân loại rác.
Ngôi nhà tái chế này đã giành được giải thưởng từ Viện Kiến trúc Nhật Bản năm 2021. “Chúng tôi muốn xây dựng một nơi mà cư dân địa phương có thể tự hào”, Nakamura nói.
Ngôi nhà được xây dựng bằng những kỷ niệm
Nakamura và nhóm của ông đã bắt đầu thiết kế trung tâm không rác thải với sự tham vấn của cư dân Kamikatsu từ tháng 4/2016. Họ sử dụng chủ yếu những vật liệu có sẵn ở địa phương và tái chế, chọn gỗ tuyết tùng từ các khu rừng xung quanh để tạo ra cấu trúc hỗ trợ và khung xương của tòa nhà.
Thị trấn Kamikatsu đã từng có một ngành công nghiệp gỗ phát triển mạnh cho đến những năm 1970, khi sự cạnh tranh từ gỗ giá rẻ ở nước ngoài khiến ngành công nghiệp này suy thoái. Nakamura cho biết việc sử dụng các vật liệu địa phương đã hồi sinh lịch sử thị trấn. Gỗ sẽ được để ở dạng thô, tròn thay vì cắt thành các thanh hoặc ván vuông để giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Cấu trúc và nội thất còn lại của ngôi nhà hầu hết đều là đồ tái chế. Nhưng việc tạo ra một kiến trúc từ rác thải không phải là một điều dễ dàng. Đó là một quá trình thiết kế mất hơn hai năm để tìm nguồn đồ tái chế và lắp ráp từng mảnh lại với nhau như một trò chơi ghép hình.
Các kiến trúc sư đã sử dụng phương pháp ‘kiến trúc cộng hưởng’ cho dự án không rác thải này. Bên cạnh việc tham khảo ý kiến của cư dân về những gì họ muốn hoặc cần từ một ngôi nhà, Nakamura cho biết Trung tâm không rác thải đã đưa khái niệm này đi xa hơn một bước, vì nó được xây dựng bằng vật liệu do 1.453 cư dân của thị trấn quyên góp.
Thủy tinh vỡ và đồ gốm được biến thành sàn gạch nung, thùng chứa từ những trang trại nấm đông cô địa phương được chuyển thành giá sách và một chiếc giường không sử dụng từ viện dưỡng lão được biến thành ghế sofa. Đối với mặt tiền nổi bật của trung tâm, các cư dân địa phương đã thu thập các ô cửa sổ cũ chính ngôi nhà của họ hoặc từ các tòa nhà bỏ hoang.
Nakamura nhấn mạnh: “Bản thân công trình kiến trúc này được tạo ra từ những mảnh ghép ký ức của cư dân địa phương, chính vì vậy họ rất gắn bó với ngôi nhà”.
Một thị trấn ‘không rác thải’
Ẩn mình phía trong những ngọn núi trung tâm của Đảo Shikoku, thị trấn Kamikatsu nằm trải dài trên một vùng đất rộng bao la. Các khu dân cư tập trung dọc theo một đoạn đường cao tốc uốn lượn theo dòng chảy của sông Asahi và Katsuura, len lỏi qua các thung lũng của sườn núi phủ tuyết tùng.
Theo Momona Otsuka, giám đốc môi trường tại Trung tâm không rác thải Kamikatsu, do vị trí xa xôi của thị trấn, cách thành phố gần nhất một giờ lái xe, đồng nghĩa với việc thị trấn Kamikatsu luôn phải tự quản lý rác thải của riêng mình và xây dựng văn hóa tái chế mạnh mẽ.
Năm 1998, một lò đốt đã được xây dựng để thay thế việc đốt rác thải ngoài trời, nhưng những đám khói lớn chứa hàm lượng dioxin độc hại đã khiến môi trường sống xung quanh thị trấn trở nên không an toàn và các lò đốt đã ngừng hoạt động ngay sau đó.
Tới năm 2003, thị trấn Kamikatsu đã đưa ra “tuyên bố không lãng phí”, tạo nên sự chú ý lớn khi là nơi đầu tiên ở Nhật Bản đưa ra cam kết như vậy. Trong những năm qua, cư dân Kamikatsu đã phát triển một hệ thống tái chế chi tiết gồm 45 loại rác thải, giúp họ đạt được tỷ lệ tái chế 80% vào năm 2016 - so với mức 20% ở các khu vực còn lại của Nhật Bản vào năm 2019, theo số liệu mới nhất từ chính phủ Nhật Bản.
Otsuka nói: “Một số loại rác thải, chẳng hạn như tã và túi giữ nhiệt dùng một lần, cực kỳ khó và rất tốn kém để tái chế”.
Trung tâm không rác thải Kamikatsu đã được thiết kế để giải quyết vấn đề này. Sử dụng hệ thống một chiều, trung tâm này được chia thành các khu vực giúp tái chế dễ dàng hơn: khu phân loại và thu gom rác, trung tâm tái chế, phòng giáo dục và cửa hàng do tình nguyện viên lãnh đạo nơi có các mặt hàng miễn phí, có thể tái sử dụng như quần áo, đĩa, sách và đồ điện tử do cư dân quyên góp và nhặt được. Bất cứ thứ gì không thể tái chế được đều được thu gom và gửi đến một lò đốt hoặc bãi rác ở thành phố gần nhất, Tokushima.
“Khái niệm không rác thải không phải là về việc xử lý rác thải sau cùng, chẳng hạn như đem đi chôn lấp hoặc đốt, mà là chúng ta cần suy nghĩ về cách loại bỏ rác thải từ thượng nguồn”, kiến trúc sư Nakamura nhấn mạnh.
Việc thiết kế Trung tâm không rác thải Kamikatsu đã thúc đẩy Nakamura tìm kiếm các dự án kiến trúc xanh hơn và sáng tạo hơn trong việc tìm nguồn cung ứng vật liệu - và ông hy vọng rằng trung tâm này sẽ truyền cảm hứng cho sự thay đổi trong suy nghĩ của người dân về rác thải.
“Nhận thức và cách nghĩ của tôi về rác thải đã thay đổi 180 độ”, Nakamura nói. “Tôi đã học được tầm quan trọng của việc tạo ra những thứ mới trong khi vẫn kế thừa những ký ức cũ”.