Phát hiện hóa thạch loài khủng long ăn thịt cuối cùng trên Trái Đất
Theo các nhà khảo cổ học, Maip Macrothorax sống ở khu vực Patagonia cực nam Argentina vào cuối kỷ Phấn trắng (khoảng 70 triệu năm trước), thời kỳ cuối cùng loài khủng long tồn tại trên Trái Đất.
Ngày 28/4, Viện Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina (MCAN) cho biết một nhóm nhà khảo cổ học đã khai quật hóa thạch của một loài khủng long thuộc chi megaraptor lớn nhất từ trước đến nay.
Đây cũng được cho là hóa thạch của một trong những loài khủng long ăn thịt cuối cùng trên Trái Đất.
Theo MCAN, các nhà khoa học thuộc Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) và hai nhà cổ sinh vật học từ Nhật Bản đã phát hiện ra hóa thạch trên tại một địa điểm khảo cổ ở tỉnh Santa Cruz, miền Nam Argentina, hồi giữa tháng 3/2020.
Loài khủng long ăn thịt này được các nhà nghiên cứu đặt tên là "Maip Macrothorax" - bắt nguồn từ tên gọi của ác nhân Maip trong thần thoại của người thổ dân Nam Mỹ Tehuelche.
Nhà khảo cổ phụ trách nhóm khai quật Mauro Aranciaga cho biết Maip Macrothorax sống ở khu vực Patagonia cực nam Argentina vào cuối kỷ Phấn trắng (khoảng 70 triệu năm trước), thời kỳ cuối cùng loài khủng long tồn tại trên Trái Đất.
Các nhà cổ sinh vật học xác định Maip macrothorax có chiều dài từ 9 đến 10 mét và nặng khoảng 5 tấn.
Để hỗ trợ trọng lượng tương đối lớn, cột sống của Maip macrothorax được tạo thành từ các đốt sống khổng lồ kết nối với nhau bằng một hệ thống phức tạp gồm các cơ, gân và dây chằng, qua đó cho phép loài khủng long ăn thịt này đứng thẳng bằng hai chân sau khi di chuyển.
Không giống như loài khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) - cũng là loài ăn thịt có kích cỡ lớn nhưng nặng nề, Maip macrothorax có khung xương nhẹ hơn nhiều.
Ông Aranciaga giải thích xương của Maip macrothorax không rắn mà có nhiều lỗ bên trong, giống như một viên gạch rỗng ruột so với một viên gạch đặc.
Điều này giúp khung xương của chúng nhẹ hơn và thon gọn hơn. Ngoài ra, loài này có đuôi và chân dài, chứng tỏ chúng có thể chạy nhanh và giữ thăng bằng tốt.
Đặc điểm nổi bật nhất của Maip macrothorax là chi trước dài và to lớn của chúng, với móng vuốt dài tới 35-40 cm.
Các nhà khoa học suy luận rằng Maip macrothorax có thể túm chặt và xé xác con mồi thành nhiều mảnh.
Móng vuốt được xem là vũ khí chính của Maip macrothorax, vì hàm răng của chúng tuy sắc nhưng có kích thước nhỏ.
Argentina được mệnh danh là “nghĩa địa khủng long.” Nhiều hóa thạch với niên đại thuộc kỷ Tam Điệp, kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng được tìm thấy tại quốc gia Nam Mỹ này chưa từng xuất hiện ở bán cầu Bắc.
Năm 2019, các nhà khoa học nước này đã phát hiện một nghĩa địa khủng long có ít nhất 10 bộ xương hóa thạch với niên đại khoảng 220 triệu năm tại tỉnh miền Tây San Juan.
Theo TTXVN