Tiểu hành tinh vẫn 'trong bụng mẹ' gấp Trái Đất 2.800 lần
Các nhà khoa học đã quan sát thấy một ngôi sao khổng lồ có khối lượng gấp 9 lần sao Mộc - tương đương gấp 2.862 lần Trái Đất, đang trong giai đoạn đầu mới hình thành và vẫn còn "trong bụng mẹ".
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Thayne Currie thuộc nhóm điều hành Kính viễn vọng Subaru (đặt tại Hawaii) và Trung tâm nghiên cứu Nasa-Ames đã kết hợp Subaru và kính thiên văn vũ trụ Hubble để quan sát và chụp được hình ảnh hiếm hoi về AB Aurigae b.
Hành tinh AB Aurigae b thực chất vẫn là một thứ như tiền hành tinh, chứ chưa phải một thế giới hoàn chỉnh. Nó là một khối vật chất chưa rõ nét chìm trong một đĩa khí và bụi mở rộng, mang vật chất hình thành các hành tinh, quay quanh ngôi sao mẹ AB Aurigae.
AB Aurigae nằm cách Trái Đất 508 năm ánh sáng, nặng gấp 2,4 lần mặt Trời và sáng hơn 60 lần. Nó mới 2 triệu tuổi, trẻ hơn Mặt Trời rất nhiều có tuổi thọ 4,5 tỉ năm.
Sự ra đời của AB Aurigae b cũng khác biệt so với suy nghĩ thông thường rằng hành tinh ra đời nhờ sự tích tụ chậm chất rắn vào lõi đá, sau đó lõi rắn đủ lớn thì mới bắt đầu tích tụ khí - ở các trường hợp hình thành hành tinh khí.
Thay vào đó, AB Aurigae b hình thành khi đĩa xung quanh ngôi sao nguội đi, lực hấp dẫn khiến nó phân mảnh thành nhiều khối vật chất lớn rồi từ đó hình thành các hành tinh.
Nó đang đạt đến kích thước tối đa để có thể được phân loại là một hành tinh thay vì một sao lùn nâu - vật thể nằm chính giữa trạng thái sao và hành tinh.