Ứng dụng giúp dân đi chợ
Ứng dụng BipBip cho phép người dùng chọn mua hàng ở các siêu thị BigC, Go, Tops Market gần nhất và thanh toán qua ví điện tử.
10 giờ sáng 6/9, Ngọc Hân (Gò Vấp) nhận được hai combo thịt và trái cây từ siêu thị Big C sau một ngày đặt hàng trên ứng dụng BipBip. "Trước đó, tôi thử nhiều cách để mua thực phẩm nhưng các kênh đều quá tải. Một số bên nhận đơn nhưng hẹn giao sau 3 - 4 ngày. Việc có nhiều ứng dụng đặt hàng trong bối cảnh hiện tại vừa giảm gánh nặng cho đội ngũ đi chợ hộ địa phương, vừa giúp người dân có thể chủ động mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết mà không phải chờ lâu", Hân nói.
Trên ứng dụng, người dùng có thể chọn các siêu thị gần mình nhất, sau đó chọn combo chuẩn bị sẵn được sắp xếp theo giá từ thấp đến cao hoặc đang được mua nhiều. Trong mỗi combo có thông tin chi tiết về đơn vị cung ứng, nguồn gốc, danh sách sản phẩm, số lượng, cân nặng. Bên dưới phần hỏi đáp, người dùng có thể đưa ra các thắc mắc, phản ánh về sản phẩm.
Người dùng có thể thanh toán bằng ví điện tử Momo, VnPay hoặc chuyển khoản. Đơn hàng sẽ được vận chuyển thông qua đội ngũ giao hàng của ứng dụng.
Theo đại diện BipBip, nền tảng đang có hơn 20.000 mặt hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu được cung cấp bởi các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Tops Market, Go... Giá sản phẩm được niêm yết theo từng combo.
Chị Thanh Hà (Bình Tân) cho biết: "Giá các combo trên ứng dụng tương đối cạnh tranh, nhiều khuyến mãi. Ưu điểm là người dùng có thể mua sắm mọi lúc thay vì phụ thuộc vào khung giờ quy định trong các kênh đi chợ hộ".
BipBip đang được thí điểm tại hai quận Gò Vấp và Bình Tân. Bà Nguyễn Thục Uyên Vy, đại diện ứng dụng, cho biết nền tảng đang phối hợp với Sở Công thương TP HCM và chính quyền địa phương để triển khai thêm ở các khu vực khác như quận 2, quận 7, quận 10, quận Tân Phú.
Ngoài BipBip, người dân ở TP HCM trong thời gian giãn cách cũng có thể đặt mua nhu yếu phẩm qua các kênh "đi chợ giúp" của địa phương hoặc các siêu thị. Từ ngày 31/8, sau khi lực lượng shipper được hoạt động trở lại, một số sàn thương mại điện tử cũng xuất hiện các "gian hàng online" để người dân chủ động mua sắm các mặt hàng cần thiết.
Tuy nhiên, thế khó của các ứng dụng mua sắm là lực lượng shipper được hoạt động còn mỏng, không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Theo dữ liệu của Sở Công Thương, tính đến 28/8, đã có 17.449 shipper được tiêm mũi 1 tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cơ quan này ước tính, trong điều kiện giãn cách và được giao liên quận, mỗi shipper có thể giao nhận 20 - 25 đơn hàng mỗi ngày. Nếu huy động được 25.000 shipper có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện các shipper chỉ có thể giao được nội quận.
Theo Vnexpress