Saturday, Jan 25, 06:01 PM

Cảnh giác lừa đảo mua sắm online

Thời điểm này, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm nhiều hơn, đặc biệt là mua sắm online. Đây cũng là thời điểm lừa đảo trực tuyến lại “nóng”. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Số liệu từ cơ quan chức năng, thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số người có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.

Cảnh giác lừa đảo mua sắm online
Cảnh giác lừa đảo mua sắm online

Cục An toàn thông tin (ATTT) Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã phát đi cảnh báo các chiêu trò lừa đảo khi mua hàng online dịp cuối năm. Theo đó, các hình thức lừa đảo phổ biến là giả mạo nhà xe, đại lý vé tàu, máy bay để lừa đảo chiếm đoạt tiền mua vé đi lại dịp Tết; giả mạo các trang mua sắm trực tuyến có uy tín để tung ra các khuyến mại hấp dẫn; quay thưởng; giao hàng không đúng với sản phẩm quảng cáo; đầu tư mua/bán hàng trên mạng thu hoa hồng cao…

Muôn kiểu lừa đảo

Chị Thu Hà (Quảng Bình) làm công nhân may tại Hà Nội chia sẻ, gần đây chị liên hệ Facebook của một nhà xe trên mạng để về quê dịp Tết, “thấy xe đẹp, mới lại không tăng giá nên tôi đã đặt mua một vé với giá 450.000 đồng. Nhà xe nói mua vé 2 chiều thì sẽ được giảm 100.000 đồng. Khi chuyển tiền xong, không thấy nhà xe gửi vé online như đã hứa, tôi gọi điện lại thì đã bị chặn liên lạc”- chị Hà bức xúc.

Hay chị Minh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, một chiêu trò mới để thu thập thông tin người dùng đó là các chương trình giảm giá được kẻ lừa đảo đăng trên các nên tảng Telegram, Facebook rồi dẫn dụ người dùng đến các trang web giả và yêu cầu khảo sát về giới tính, tên tuổi, công việc, số điện thoại để tham gia rút thăm trúng thưởng dịp Giáng sinh. Những trang này còn thể hiện các bình luận giả của người dùng trước đó khẳng định họ đã trúng thưởng. “Sau khi được thông báo trúng thưởng, tôi đã điền số CCCD và địa chỉ nhà để nhận phần thưởng, tôi chỉ cần thanh toán 237.000 đồng tiền cước. Vài ngày sau có shipper gọi thông báo với tôi hàng đã gửi ở sảnh chung cư và yêu cầu tôi chuyển tiền cước. Tuy nhiên, khi tôi kiểm tra thì không có món hàng nào được gửi cho tôi cả, cũng từ đó tôi nhận được nhiều cuộc gọi làm phiền, thậm chí là đe dọa khiến tôi rất hoang mang” - chị Minh cho biết.

Khác với chị Hà và chị Minh, anh Hoàng Thông (Hà Tĩnh) đã mất cả tỷ đồng do tin lời dụ dỗ tham gia bán hàng trên mạng với nhiệm vụ là “ôm” hàng để kinh doanh dịp Tết. Theo lời mời của một người quen trên mạng, anh Thông tham gia vào group kinh doanh các mặt hàng có khuyến mãi lên đến 60% nhân dịp Giáng sinh và Tết. Khi anh Thông mua hàng thì trong group sẽ tìm đối tác mua lại với mức hoa hồng 20%. “Lần thứ nhất tôi mua 30 triệu đồng thì 2 giờ sau đã có người mua lại với giá 36 triệu đồng. Lần thứ 2 tôi mua 50 triệu đồng thì 4 giờ sau có người mua lại với giá 60 triệu đồng. Lần thứ 3 tôi mua hơn 1 tỷ đồng thì hệ thống báo phải nộp 11.294 USD tiền thuế trong vòng 24 giờ mới được giải ngân. Nghi ngờ có vấn đề, tôi gọi lại thì không ai nghe điện thoại, group kinh doanh được lập trước đó cũng đã bị giải tán”- anh Thông buồn bã kể.

Trên đây chỉ là 3 trong hàng trăm nghìn trường hợp bị lừa đảo qua mạng. Theo thống kê của Cục ATTT, trong năm 2024 ghi nhận tổng cộng 275.323 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến từ người dùng. Còn theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Hai đơn vị này cho biết, số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.

anh thay 6
Mua hàng qua mạng, người dân cần lựa chọn các địa chỉ có uy tín để tránh bẫy lừa đảo. Ảnh: M.H.

Thận trọng khi mua hàng

Cục ATTT nhận định, lừa đảo trực tuyến không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của người dùng đối với các nền tảng số. Nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến thường cảm thấy hoang mang, lo lắng, mất niềm tin, gây ảnh hưởng tâm lý, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội... Cục ATTT khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán qua hình thức trực tuyến, cần xác minh danh tính của đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục ATTT lưu ý: "Người mua cần thận trọng với thông tin khuyến mãi quá tốt; kiểm tra kỹ trước khi nhận hàng; không chuyển khoản sớm trước; kiểm tra fanpage mua hàng chính thống hay không… Nếu phát hiện page giả, web giả, người dùng có thể gửi cảnh báo về Cục ATTT để xử lý và cảnh báo rộng rãi hơn đến toàn thể người dân. Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý".

Đại diện Cục ATTT cho biết, các cơ quan chức năng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng vẫn đang nỗ lực tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân và phối hợp với các ngân hàng, các nền tảng thương mại điện tử để giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong mọi trường hợp, việc nâng cao cảnh giác và kịp thời báo cáo vụ việc là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng.

Ông Ngô Tuấn Anh- Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng SCS cho biết, các đối tượng dùng chiêu trò đánh vào lòng tham của con người để lừa đảo. Khi mua hàng thì chúng đánh vào tâm lý hám lợi khi nghe các chương trình khuyến mãi khủng, nhận quà tặng có giá trị lớn của nhiều người tiêu dùng để thực hiện các bước lừa đảo tiếp theo. Để phòng tránh, người dùng cần nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn khi tham gia môi trường mạng; thận trọng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến; chỉ mua ở các thương hiệu, đơn vị cung cấp có uy tín; cần xác minh lại các thông tin chuyển khoản; người tiêu dùng cũng có thể trang bị các giải pháp công nghệ để có thể phát hiện, chặn lọc các địa chỉ lừa đảo, mã độc…nhằm chặn lọc bước đầu và tạo ra không gian mạng an toàn hơn. Ngoài ra, việc định danh người bán trên các nền tảng, sàn thương mại điện tử là điều cần thiết trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam phát triển như hiện nay. Việt Nam cũng đã có quy định về định danh người dùng nói chung khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Việc xác thực tài khoản bán hàng trực tuyến, quy định này nhằm giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh trực tuyến, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời có thể và tạo ra môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, minh bạch hơn tránh được tình trạng lừa đảo và gian lận thương mại.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia:

Đừng hám lợi trước mắt mà mất cảnh giác

anh theo box

Các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tin vào những hình ảnh quảng cáo xuất hiện liên tục trên không gian mạng mà bị mờ mắt bởi những thông tin có lợi rồi mất cảnh giác. Chỉ giao dịch với các trang web, ứng dụng và người bán có uy tín, không mua hàng qua các đường link được gửi qua tin nhắn, email hoặc người lạ; cảnh giác với các sản phẩm có ưu đãi "giá sốc"…; đồng kiểm khi nhận hàng; bảo mật thông tin cá nhân và thông tin thanh toán; đọc kỹ chính sách hoàn trả và bảo hành trước khi mua hàng; cài đặt phần mềm phòng chống lừa đảo cho điện thoại… Thời gian qua, các cơ quan chức năng và các tổ chức an ninh mạng đã rất nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý và khuyến cáo người dân không mắc bẫy lừa đảo trực tuyến. Các cơ quan chức năng đã triển khai các giải pháp như: siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội; phối hợp với TikTok, Facebook, YouTube để gỡ bỏ và xử lý kịp thời các tài khoản có dấu hiệu lừa đảo. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần nâng cao cảnh giác và tự mình trang bị kỹ năng an toàn khi tham gia trên không gian mạng.

Nếu bị lừa đảo người dân không nên chọn cách im lặng mà cần thông báo rộng rãi để người thân phòng tránh. Cũng có người sẽ tìm cách lừa lại những đối tượng đã lừa đảo mình để hy vọng lấy lại được tiền. Tuy nhiên việc này rất nguy hiểm bởi chúng có tính chất tội phạm, dễ manh động. Nếu chúng ta có những hành động như tiếp xúc, gặp trực tiếp thì có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp bị lừa đảo, tốt nhất người dân hãy trình báo với các cơ quan công an.

Theo ddk https://daidoanket.vn/canh-giac-lua-dao-mua-sam-online-10297720.html Copylink