Chứng khoán năm Thìn: Chờ một thị trường chứng khoán xứng tầm
Thị trường sẽ đón năm Thìn với hình tượng con rồng đầy mạnh mẽ. Trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu năm nay, Đông Nam Á được xem là điểm sáng, trong đó có Việt Nam. Những quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành cho một vị thế mới giúp t
Nhận định về năm 2024, không ít chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán (TTCK).
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận, ngay từ đầu năm 2024, chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì. Việt Nam có thêm dư địa giảm lãi suất, là yếu tố rất tốt hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, tỷ giá sẽ tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn năm nay, có thể ở mức 14-15%.
Với chính sách tài khóa, Chính phủ vẫn thực hiện chính sách giảm thu (giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền cho thuê đất), từ đó giảm chi phí giúp doanh nghiệp phục hồi. Như vậy, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều hỗ trợ TTCK. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới có thể sẽ hồi phục nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng lên, cán cân thương mại xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục thặng dư; kiều hối - dòng ngoại tệ lớn sẽ đổ về Việt Nam. Vì vậy, năm 2024, nếu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đạt 20-30% thì chỉ số VN-Index có cơ hội tăng 20-25%, có thể lên 1.300-1.350 điểm.
“Trước mắt, sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, thị trường diễn biến khả quan, dòng tiền sẽ trở lại, khối ngoại sẽ không còn bán ròng. Hiện tại, lãi suất huy động rất thấp, giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy dòng tiền có sự dịch chuyển, vì vậy, kênh chứng khoán có thể hút dòng tiền”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Hàn Quốc cho biết, Mặc dù kinh tế phát triển ấn tượng nhưng quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam có xu hướng chững lại. Trong năm 2023, không có doanh nghiệp quy mô lớn, có tên tuổi nào niêm yết cổ phiếu. Vốn hóa chứng khoán Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với các thị trường láng giềng trong khu vực. TTCK Indonesia hiện có vốn hóa 670 tỷ USD, trong khi Singapore đã đạt ngưỡng 700 tỷ USD.
Việc nâng hạng TTCK đang được các nhà đầu tư mong đợi hơn bao giờ hết. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực để giúp nâng hạng thị trường.
Việc nâng hạng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn lớn trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ các tổ chức và định chế tài chính lớn trên thế giới. Khi đó, thanh khoản trên TTCK cũng sẽ dồi dào. TTCK sẽ thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp bên cạnh các kênh trái phiếu và tín dụng.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam là kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất từ quý II-2024… Thông thường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi; kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024 trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.
Ngoài ra, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Chưa kể, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam) sẽ đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thị trường.