Wednesday, Nov 23, 10:11 PM

Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế số trong thời đại 4.0

Ngày 28/11, tại Trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, diễn ra Hội thảo Quốc gia “Chuyển đổi số - cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số”.

Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế số trong thời đại 4.0
Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế số trong thời đại 4.0

Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng tổ chức, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo nhận được sự quan tâm của hơn 900 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.

 Trần Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp khai mạc Hội thảo.

Gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực ở 23 cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước đã tham gia viết bài cho Hội thảo, tạo một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp… nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thách thức của chuyển đổi số để phát triển nền kinh tế số.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết: Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển kinh tế số, xã hội số; mở ra nhiều cơ hội và không gian mới trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số đang tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, một nền tảng quan trọng để phát triển các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ tiên tiến, và trải nghiệm khách hàng.

Trong thời đại công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là một chiến lược cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường năng suất, và tạo ra giá trị gia tăng. Thông qua việc kết hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), blockchain và IoT (Internet of Things). Các quốc gia, cơ quan và doanh nghiệp đang chủ động tích cực thích ứng và tận dụng tối đa những cơ hội chuyển đổi số đưa lại, để định hình tương lai. Trong đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế số và xã hội số. Giáo dục vừa là phương tiện chuyển đạt kiến thức vừa là nền tảng để phát triển kỹ năng số, tư duy sáng tạo, và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS TS Nguyễn Thành Hiếu cho biết: Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số - là một trong 3 trụ cột phát triển quốc gia số: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam đã nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đảng, Nhà nước ta coi trọng chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong Hội thảo, các đại biểu, khách mời cùng nhau hướng sự tập trung vào các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực Chuyển đổi số - Những xu hướng mới nhất trong chuyển đổi số, nhìn nhận những thách thứcđặt ra, đồng thời tìm kiếm những cơ hội nó mang lại.

Các vấn đề khác được đề cập như: Các điều kiện nền tảng để phát triển nền kinh tế số; Kế hoạch và chiến lược triển khai chuyển đổi số hiệu quả; Chuyển đổi số: cơ hội và thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp VN; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và những vấn đề khác liên quan.

Tại phiên báo cáo chính thức, Ban Tổ chức chọn lựa 5 bài tham luận tập trung vào những vấn đề quan trọng của chuyển đổi số, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục, ngân hàng...Tham luận của GS.TS. Trần Thọ Đạt (ĐHKTQD) khái quát các vấn đề về kinh tế số (khái niệm và đo lường, phân tích bức tranh tổng thể về kinh tế số VN năm 2022, từ đó đặt ra các vấn đề về cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển kinh tế số).

Chuyên gia Nguyễn Thạc Tâm (ngân hàng HTX VN) trình bày báo cáo về thời cơ, thách thức và chiến lược của một trong các loại hình doanh nghiệp ở VN cần có sự tập trung đầu tư mạnh vẽ vào chuyển đổi số: ngân hàng hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank).

Báo cáo của chuyên gia Lê Trường Giang (ĐHCNHN) về Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học: quy trình và thách thức, xem xét trường hợp thực tiễn tại ĐHCNHN theo mô hình kết hợp BPR/ISP.

Báo cáo của chuyên gia Nguyễn Đức Dũng về các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về chuyển đổi số (Chi phí, chính sách, luật) cũng như đặt ra vấn đề về học tập suốt đời trong chuyển đổi số; chuyên gia Cù Kim Long (Bộ KHCN) đề cập tới vấn đề - Một số thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số từ góc độ dữ liệu thực và ứng dụng các công nghệ mới nổi tại Việt Nam.

Trong thời gian 6 tháng tổ chức, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 90 bài viết của 87 tác giả đến từ 23 tổ chức, cơ quan, viện nghiên cứu trường đại học trong cả nước. Ban thư ký Hội thảo đã tập hợp 46 bài viết có giá trị và xuất bản Kỷ yếu Hội thảo.

Hội thảo cũng dành thời lượng cho phần thảo luận, với những câu hỏi trực tiếp và trực tuyến từ các vị khách tham dự, có ý nghĩa thiết thực liên quan của Chuyển đổi số. Các câu hỏi được đưa tới đoàn chủ tọa và bốn diễn giả chính của Hội thảo. Các nội dung thảo luận tập trung vào một số vấn đề như mô hình Đại học số; an ninh mạng; các xu hướng và mô hình chiến lược cần xây dựng vào chuyển đổi số; vấn đề về đào tạo nhân lực số, đào tạo lại nhân lực trong các trường đại học để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên số hiện nay…

Các đại biểu lưu niệm với chương trình.

PGS.TS Nguyễn Hữu Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đánh giá, qua Hội thảo nhiều nội dung cốt lõi về Chuyển đổi số đã được các nhà khoa học làm rõ, các ý kiến đóng góp có giá trị khoa học, làm cơ sở để các nhà quản lý, nhà khoa học, các  chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, phát triển, xây dựng các chính sách, quy định, giải pháp số vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tạo tiền đề để các hội thảo khoa học, các nghiên cứu khoa học về Chuyển đổi số tiếp tục được tổ chức thành công.

N Dương
Theo dcsvn Copylink