Friday, Aug 21, 12:08 PM

Đồng bằng sông Cửu Long: Doanh nghiệp xuất khẩu cần được trợ lực

Thời gian này, một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cách làm tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp (DN) thu mua nông sản chế biến xuất khẩu, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Đồng bằng sông Cửu Long: Doanh nghiệp xuất khẩu cần được trợ lực
Đồng bằng sông Cửu Long: Doanh nghiệp xuất khẩu cần được trợ lực

Nhiều khó khăn

Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong vùng, do không dự báo được diễn biến của dịch bệnh nên nhiều DN chưa có bước chuẩn bị kịp thời, do đó việc đặt hàng, thu gom, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Sở Công Thương TP Cần Thơ, tính đến đầu tháng 8/2021, lượng gạo tồn kho khá lớn tại các DN, ước 59.295 tấn lúa và 220.566 tấn gạo. Trong khi đó, DN bị áp về chi phí lưu kho, lãi suất ngân hàng, kể cả vốn vay để tiếp tục thu mua vụ lúa Hè Thu 2021 và vụ Thu Đông sắp tới.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua hầu hết, các DN lương thực đều giao hàng không được do gặp những trở ngại về điều kiện nhập khẩu của một số nước do dịch Covid-19. Dự kiến tháng 9/2021, Công ty xuất khẩu 11.000 tấn gạo, tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào dịch bệnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, vụ Hè Thu năm nay, tỉnh An Giang sản xuất gần 230.000 hecta lúa. Dự kiến đến hết tháng 8 này, địa phương sẽ thu hoạch dứt điểm số diện tích lúa còn lại. Ước tính sản lượng còn khoảng hơn 620.000 tấn lúa, nếp cần tiêu thụ, tập trung ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Phú Tân... An Giang hiện có 12 DN, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích khoảng hơn 15.600 hecta.

Cần chính sách hợp lý hỗ trợ DN

Đứng trước khó khăn, nhiều DN ở TP Cần Thơ kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có chính sách hợp lý để hỗ trợ DN cũng như người lao động. Cùng đó là chính sách miễn, giảm thuế phù hợp để DN có nguồn tài chính tái đầu tư phát triển kinh doanh, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm; giải phóng hàng nông sản, lúa gạo tồn kho.

Các DN còn kiến nghị TP Cần Thơ sớm cho cảng Hoàng Diệu và cảng của Công ty Lương thực Sông Hậu hoạt động trở lại, nhanh chóng lưu thông hàng hóa; xem xét giảm thuế thu nhập DN năm 2021... Kéo dài thời gian trả lãi các khoản vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện giải ngân thuận lợi, tăng thêm 10% hạn mức được duyệt và cân nhắc giảm lãi suất cho DN; giãn thời gian trả nợ gốc đến thêm 2 tháng; xem xét hỗ trợ gói vay tạm trữ thế chấp bằng hàng hóa tồn kho hình thành từ nguồn vốn vay tạm trữ với lãi suất thị trường…

Theo điều tra của VCCI Chi nhánh Cần Thơ, hiện nay DN vùng ĐBSCL chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế do nguồn tiền bị gián đoạn. Các gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68 NQ/CP từ năm ngoái đến nay nhiều DN vẫn chưa nhận được. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5%-1% là quá ít đối với DN. Tình trạng thiếu vaccine khiến nhiều DN vẫn chưa đến lượt dù nằm trong ngành thiết yếu. Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về các trường hợp dương tính khiến DN bị phong tỏa đột ngột.

Nhận định về tình hình dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, kiện toàn và nâng chất lượng “Tổ phản ứng nhanh”, có kế hoạch và phương án dự phòng để xử lý các tình huống khó khăn có thể xảy ra trong việc thu hoạch, thu mua, tiêu thụ nông sản.

Phối hợp nhiều lực lượng trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ bà con thu hoạch lúa; liên kết với các doanh nghiệp lớn để thu mua, tích trữ lúa cho bà con; phát triển mạnh hơn nữa việc kết nối tiêu thụ nông sản qua nhiều hình thức, nhất là thương mại điện tử…   

qu19635c-trung
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-doanh-nghiep-xuat-khau-can-duoc-tro-luc-5662565.html Copylink