Wednesday, Feb 23, 07:02 AM

Dự đoán đường đi của lãi suất

Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã ổn định sau một thời gian tăng nóng vào cuối 2022. Vậy đường đi của lãi suất trong suốt năm 2023 ra sao?

Dự đoán đường đi của lãi suất
Dự đoán đường đi của lãi suất
du-do225n-duong-di-cua-l227i-suat_1.jpg
Lãi suất được dự báo sẽ vẫn tăng nhưng mức độ không mạnh như năm 2022.

Ngân hàng tung chiêu hút tiền gửi

Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay đang là 9,5%/năm – đúng như mức cam kết trước đó được các ngân hàng thống nhất. Trước đó vào thời điểm cuối năm 2022, lãi suất huy động được đẩy tăng vọt lên 11%.

Hiện nay nhiều ngân hàng tầm nhỏ và tầm trung đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 9,3 – 9,5%/năm như: DongA Bank, SCB, LienVietPostBank, BacA Bank, HDBank, Techcombank, Saigonbank, VPBank, VietBank… Một số ngân hàng như OceanBank, MSB niêm yết lãi suất cao nhất 9,1%/năm. Mức lãi suất này thường được áp dụng cho kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Đối với kỳ hạn ngắn hơn (6-9 tháng), lãi suất phổ biến đang trong khoảng 8-9%/năm. Kỳ hạn dưới 6 tháng được đa số các ngân hàng áp mức kịch trần 6%/năm và chỉ thấp hơn một chút ở khối ngân hàng có vốn nhà nước.

Sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm dòng tiền nhàn rỗi ồ ạt quay trở lại ngân hàng. Gửi tiết kiệm vẫn luôn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, mang lại lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư, đặc biệt khi lãi suất huy động đang ở mức cao như hiện nay.

Chị Bùi Khánh Dương (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ, sau Tết thường dư được một ít tiền nên chị chọn gửi ngân hàng cho an tâm.

Kỳ vọng hạ nhiệt lãi suất trong nửa cuối năm

Dù vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Thời gian tới đường đi của lãi suất sẽ như thế nào? Liệu cam kết giữ lãi suất huy động không vượt quá 9,5% năm có được kéo dài khi vẫn còn hiện tượng mặc cả lãi suất trên thị trường?

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế và tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2023, các chuyên gia này kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm nhẹ nhờ áp lực tỷ giá giảm, cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5%...

Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động trong năm 2023 vẫn sẽ ở mức như hiện tại, nếu có tăng thì cũng không đáng kể.

Nhận định về lãi suất huy động, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục có sự phân hóa do cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại cổ phần để giải quyết vấn đề thanh khoản; cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đang dịch chuyển và người gửi tiền đã quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu ngân hàng nên chấp nhận gửi nơi có lãi suất thấp hơn để hạn chế rủi ro.

Với những diễn biến đó, giới phân tích cho rằng, trong một vài tháng đầu năm, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn tốt nhất cho dòng tiền nhàn rỗi. Bởi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu vẫn chưa phục hồi, vàng và USD được điều hành ổn định nên mức sinh lời thấp.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lãi suất tiền gửi ở mức cao sẽ có lợi cho người gửi tiền, song làm tăng chi phí vốn và hạn chế đầu tư xã hội. Hơn nữa lãi suất đầu vào cao sẽ tạo gánh nặng cho người đi vay, từ đó kéo theo gánh nặng nợ xấu. Do đó, NHNN đã nhiều lần cho biết sẽ sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tín dụng một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế phục hồi và bảo đảm an toàn hệ thống.

Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, mặc dù lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 nhưng sẽ không nóng như cuối năm 2022. Nguyên nhân, theo ông Khánh, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan điều hành sẽ buộc phải có biện pháp “ghìm cương” lãi suất.

“Mặc dù không phải là quy định “cứng”, nhưng nếu lãi suất huy động lên 2 con số thì NHNN sẽ có những biện pháp ghìm lại. Do đó, tôi nghĩ mặc dù trong năm tới lãi suất có thể sẽ vẫn tăng, nhưng mức độ sẽ không mạnh như cuối năm ngoái” – ông Khánh nói.

Hồ Hương
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/du-doan-duong-di-cua-lai-suat-5708572.html Copylink