Tuesday, Oct 22, 06:10 AM

Duy trì điểm sáng xuất khẩu

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật thông tin về pháp luật, thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, liên kết với các đối tác nước ngoài để giảm giá thành, tăng khả năng thâm nhập, tăng lợi thế nhờ quy mô, thông hiểu hơn chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Duy trì điểm sáng xuất khẩu
Duy trì điểm sáng xuất khẩu

PV: Trong thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp là gì thưa ông?

TS Lê Xuân Sang: Ngay từ đầu năm 2022, cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực, mở rộng hơn cánh cửa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia thành viên. Hơn nữa, RCEP có sự tham gia tích cực của Trung Quốc nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, từ đó sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường lớn tại châu Âu, châu Mỹ… có thể tăng thêm lợi nhuận và thị phần. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm mức thuế quan lớn hơn, ưu đãi nhiều hơn cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 thuyên giảm nên càng giúp thúc đẩy thương mại.

Tuy nhiên, cơ hội song hành cùng thách thức, tình hình lạm phát, suy thoái còn nhiều nguy cơ, nhất là tại châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lương thực còn kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực khiến mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam không còn như trước. Đặc biệt, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia, cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến dòng tiền của doanh nghiệp chịu tác động mạnh, việc nhiều quốc gia tăng lãi suất cũng ảnh hưởng nhất định hậu quả là doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với khó khăn hơn trong tiếp cận tín dụng do lãi suất cao hơn.

duy-tr236-diem-s225ng-xuat-khau_2.jpg
Sản phẩm dệt may của Việt Nam được thị trường thế giới đón nhận.

Dù khó khăn bủa vây nhưng nền kinh tế nước ta vẫn vượt khó ngoạn mục. Các DN cần làm gì để duy trì kỳ tích xuất khẩu, tăng trưởng sản lượng?

- Các DN Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực học hỏi về những vấn đề trong thương mại quốc tế, nâng cao hiểu biết về thị trường toàn cầu cũng như thị trường mà DN hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, những biến động của kinh tế thế giới và trong nước rất cần tính năng động, năng lực chống chịu của các DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tăng độ bền vững cho hoạt động xuất khẩu, các DN phải tìm hiểu kỹ các quy định, cam kết trong các FTA, nhất là FTA thế hệ mới liên quan đến quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, kỹ thuật, hàng rào thuế quan, phi thuế quan, chỉ dẫn địa lý… Đồng thời, việc cập nhật thông tin về pháp luật, thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, liên kết với các đối tác nước ngoài để giảm giá thành, tăng khả năng thâm nhập, tăng lợi thế nhờ quy mô, thông hiểu hơn chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về phía các cơ quan quản lý, xin ông cho biết đâu là những giải pháp cần thực hiện để hỗ trợ DN?

- Các cơ quan nhà nước nên đóng vai trò “bà đỡ” lớn hơn cho các DN trong hoạt động xuất khẩu, bằng việc cung cấp thông tin về thị trường, pháp luật quốc tế cũng như các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại, phòng vệ thương mại... Ngoài ra, các cơ quan tham tán thương mại cũng phải tăng cường vai trò của mình trong việc phối hợp cung cấp thông tin về thị hiếu, nhu cầu, hỗ trợ DN mở rộng thị trường. Cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài cũng như vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…

Trân trọng cảm ơn ông!

T.Hằng (thực hiện)
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/duy-tri-diem-sang-xuat-khau-5698357.html Copylink