Gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% ế ẩm
Hơn 1 năm triển khai gói ưu đãi lãi suất 2% (gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ ngân sách), doanh số hỗ trợ lãi suất cũng chỉ mới đạt gần 2%.
Tiến độ giải ngân rất chậm
Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Theo đó, để triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai; thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến cho từng ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất 2% đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng, tức mới đạt gần 2%.
Theo lý giải của các cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này giải ngân chậm chủ yếu là do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra; khó đánh giá về khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.
Nhiều DN khi được hỏi về việc tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% cũng đã đưa ra câu trả lời khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể như, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Bên cạnh đó, không ít DN cho biết họ không muốn vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán…
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tân Việt Hưng Thủ đô Trần Thị Thu Hiền từng cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi muốn phát triển hoặc mở rộng hoạt động thì phải dựa vào nguồn vốn tăng cường. Từ đó, bà Hiền mong muốn có được những cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho DN bứt phá.
Chính đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng chia sẻ, ngân hàng tập trung cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ. Các hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh, vì vậy họ e ngại trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, sát sao chương trình tới từng chi nhánh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh DN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc chậm triển khai giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất đã bỏ lỡ cơ hội hỗ trợ DN phục hồi, đồng thời gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước. Đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, thẳng thắn nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất trong tương lai.
Vẫn chưa gỡ được vướng mắc
Theo giới chuyên gia, các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhưng khi triển khai thì các ngân hàng lại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hơn nữa, hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Các ngân hàng vẫn còn tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán. Đồng thời, chính khách hàng, nhất là các DN cũng có tâm lý e ngại do phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho DN nhưng tiền hỗ trợ từ ngân sách nên mọi chứng từ, thủ tục phải chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được từ chối khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng nhưng không hạ chuẩn cho vay, nên khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cho ngân hàng.
Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, DN muốn vay vốn hỗ trợ khá khó khăn. Bởi lẽ, với yếu tố chưa có tiền lệ, chính sách hướng dẫn còn mang tính chung chung nên DN mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục. Cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn DN làm thế nào cho đúng, thuận tiện. Được như vậy, DN vừa dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi triển khai cấp vốn.