Tuesday, Aug 22, 07:08 AM

GDP tăng, lạm phát được kiềm chế

Chiều 8/8, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố: Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.

GDP tăng, lạm phát được kiềm chế
GDP tăng, lạm phát được kiềm chế
gdp-tang-lam-ph225t-duoc-kiem-che_1.jpg
Du lịch nội địa bùng nổ, chỉ dấu tích cực của nền kinh tế.  

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế được công bố 6 tháng một lần của WB Việt Nam với tiêu đề "Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng" các chuyên gia phân tích: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2021; 5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022, “khi người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng”.

Tuy nhiên, WB Việt Nam cũng cho rằng dù triển vọng là tích cực nhưng vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi. Rủi ro bao gồm việc đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng Covid-19 mới tiếp tục xuất hiện; lạm phát gia tăng và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

Từ đó, để giữ đà tăng trưởng, WB Việt Nam khuyến nghị cần tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng.

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc WB Việt Nam, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn" - Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh. Nhưng thực trạng chi phí tài chính cho việc học đại học ngày càng lớn và nhận định về lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo học đại học là những lý do khiến cho nhu cầu trở nên yếu đi. Theo khảo sát về doanh nghiệp và kỹ năng do WB Việt Nam thực hiện, 73% doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có các kỹ năng lãnh đạo và quản lý; 68% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.

Dự báo mức tăng trưởng GDP ở mức 7,5% trong năm 2022 đối với nền kinh tế Việt Nam của WB cũng tương đồng (ở mức cao hơn) của nhiều định chế tài chính khác. Điều đó cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19.

Trước WB Việt Nam không lâu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như đã từng được công bố trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) vào tháng 4/2022. Mức “giữ nguyên” này được giới chuyên gia tài chính cho là rất tích cực khi mà vào thời điểm tháng 4, lạm phát đã xuất hiện trên phạm vi rộng, nhất là tại Mỹ và châu Âu.

ADB cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ việc mở rộng các hoạt động thương mại, sự phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo và tình hình đi lại trong nước cũng đã được thúc đẩy; cũng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang có chiều hướng được cải thiện.

Cùng với dự báo tăng trưởng, ADB cũng cho rằng trong năm 2022, Việt Nam sẽ vẫn kiềm chế tốt lạm phát, do nguồn cung lương thực dồi dào. ADB dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% vào năm 2023. Đây là mức lạm phát rất thấp so với dự báo 8,3% của 19 quốc gia sử dụng đồng euro; cũng như 8,1% của nền kinh tế Mỹ (mức 9,1% kết thúc tháng 7 có thể được kéo xuống nhờ những yếu tố tích cực xuất hiện trong nền kinh tế).

Còn nhìn chung với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 là 4,6%, giảm so với dự báo 5,2% vào hồi tháng 4. Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, cho rằng trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam là rất đáng chú ý và nó càng giá trị hơn khi lạm phát “được kiểm soát một cách rõ ràng”.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered và VinaCapital đều dự tăng trưởng tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3 và 3,9% trong quý IV, qua đó đưa tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%. Ông Tim Leelahaphan - phụ trách Thái Lan và Việt Nam của ngân hàng này, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa khi các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 7. Còn theo ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng VinaCapital, kỳ vọng GDP quý III/2022 sẽ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ đà tăng trưởng của tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ông Kokalari cũng lưu ý, con số tăng trưởng ấn tượng ấy là do so sánh với cùng kỳ năm trước (quý III/2021) khi GDP của Việt Nam tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về lạm phát, chuyên gia của VinaCapital cho rằng, có thể ở mức 4,5% vào cuối năm 2022 (mục tiêu phấn đấu của Việt Nam là dưới 4%).

Một dự báo khác cũng rất đáng lưu ý đến từ Ngân hàng UOB của Singapore, khi điều chỉnh tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2022 từ mức 6,5% trước đó lên 7,0%. Theo UOB, sự phục hồi mạnh mẽ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II/2022 được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất đã tăng tốc trong quý thứ IV liên tiếp và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ đã dần lấy lại đà tăng kể từ đợt giảm cuối cùng trong quý III/2021. Trong nửa đầu năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mức tăng 9,7% trong lĩnh vực sản xuất và mức tăng 6,6% trong hoạt động dịch vụ, với mức tăng 4,6% trong quý I/2022.

UOB cũng cho rằng, bên cạnh tăng trưởng GDP ở mức cao thì áp lực lạm phát ở Việt Nam có thể được kiểm soát vì tác động chính liên quan đến giá năng lượng trong khi giá thực phẩm vẫn được kiểm soát. Lạm phát tổng thể trong tháng 6 tăng 3,4% so với cùng kỳ, từ 2,8% trong tháng 5, vẫn thấp hơn so với mức mục tiêu 4%; bất chấp giá vận tải trong tháng 6 tăng 21,4% so với cùng kỳ, tiếp nối đà tăng 18,4% trong tháng 5.

“Dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý II/2022 và dữ liệu lịch sử cho thấy kết quả tăng trưởng 6 tháng cuối năm thường khá tích cực, chúng tôi điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,0% từ mức 6,5% trước đó, với giả định không có thêm sự gián đoạn nào do Covid-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6 - 7,8%” - báo cáo của Ngân hàng UOB.

Còn theo giới chuyên gia kinh tế Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, nền kinh tế đất nước có thể có 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9%; quý IV tăng 5,5%. Kịch bản thứ hai: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% của cả năm, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9%; quý IV tăng 6,3%.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng GDP cả năm 7% là khả thi khi nền kinh tế tiếp tục có tín hiệu tích cực, tuy rằng thách thức là rất lớn. Trong đó, thách thức đầu tiên là lĩnh vực xuất khẩu, khi Việt Nam nằm trong tốp 20 nền kinh tế xuất khẩu lớn của thế giới. Nói thách thức là bởi cả thị trường Mỹ và châu Âu, bạn hàng hàng đầu của Việt Nam lại đang “vùng vẫy” trong lạm phát và đứng trước khả năng suy thoái.

Cùng đó, kể từ giữa tháng 8 cho tới cuối tháng 11 là những tháng có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão, nhất là với miền Bắc và miền Trung, nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Bên cạnh đó, cho dù giá xăng dầu đã được kéo giảm nhờ Chính phủ áp dụng giảm 2/4 sắc thuế đối với mặt hàng này, nhưng giá nhiều mặt hàng hóa khác được cho là đã “thiết lập mặt bằng giá mới”, ảnh hưởng tới đời sống người dân, cũng như doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên, xuất phát từ nguyên nhân nền kinh tế có mức độ phục hồi nhanh trong quý II vừa qua, dù thực tế đang đối diện với thách thức về lạm phát và áp lực lãi suất tăng. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,6% trước đó lên mức 6,9% trong năm nay với “khả năng đứng đầu toàn khu vực”, đồng thời cũng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức 6,3% (trước đó là 6,7%) vì có những rủi ro, đặc biệt là rủi ro lĩnh vực năng lượng. “Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực”- báo cáo HSBC. Dự báo này cũng tương đồng được đưa ra trong báo cáo vĩ mô của Maybank IB khi nâng dự báo từ mức 5,8% lên mức 6,9% cả năm nay.

Về dự báo lạm phát, theo HSBC, lạm phát trung bình dù tiếp tục dự báo ở dưới mức mục tiêu 4%, nhưng sẽ có thời điểm vượt mức trần này, điều này tạo áp lực lên chính sách tiền tệ, khi lãi suất điều hành cũng đồng thời được dự báo tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng tới ngân sách của các hộ gia đình.

NGỌC QUANG
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/gdp-tang-lam-phat-duoc-kiem-che-5693690.html Copylink