Lãi suất ngân hàng khi nào tăng?
Lãi suất ngân hàng đang thấp kỷ lục. Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 là gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94%; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối ...
Riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ hai từ đầu năm, chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3/2021. Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược so với bình quân các năm trước, khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế.
So với giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng dòng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp đôi so với mức tăng 167.000 tỷ đồng của nhóm khách hàng doanh nghiệp và tổ chức.
Điều này cho thấy, mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay đã khiến dòng tiềm của người dân đã có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như: chứng khoán, vàng, bất động sản… Nhưng đại dịch Covid-19 lại khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, nên không ít doanh nghiệp đã mang dòng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng để thu lãi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Vốn huy động của các ngân hàng hiện nay chậm hơn cho vay khá nhiều và đang có sự phân hóa, nơi tăng nơi giảm. Động thái giảm lãi suất đầu vào của các ngân hàng là bởi vừa qua họ đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Thực tế, cũng có ngân hàng bị hụt nguồn vốn huy động khi lãi suất ở mức thấp.
Lý giải về tiền gửi của các tổ chức tăng lên, theo ông Hiếu, là do việc sử dụng tiền không hiệu quả. Ba ngành chính của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và du lịch đều chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 lĩnh vực này gần như ngưng trệ nên doanh nghiệp có tiền chỉ còn cách đem gửi ngân hàng lấy lời.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát triệt để, các thành phần kinh tế sẽ lao vào sản xuất kinh doanh, thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Khi đó, ngân hàng có thể tính đến việc tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.