Người phụ nữ khởi nghiệp từ nghịch cảnh
Một người con gái vóc dáng nhỏ nhắn, được sinh ra và lớn lên trên trên vùng đất sỏi đá cằn cỗi, từng gặp nhiều tai ương nhưng đã làm nên bao điều kỳ diệu.
Nhờ có Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê” diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi dạo thăm quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm các mặt hàng nông sản sạch, ẩm thực từ các vùng miền, tình cờ được gặp người phụ nữ dáng vóc nhỏ bé nhanh nhẹn, hoạt bát, mặc áo bà ba, miệng tươi cười, đon đả mời chào đặc sệt tiếng Quảng Nam.
Chúng tôi đã bị thu hút nên dừng lại ghé thăm gian hàng và dùng thử sản phẩm nước cốt chanh, nước cốt tắc, nếm thử các loại mứt từ chanh, tắc... Quả đúng sản phẩm của chị rất thơm ngon, chất lượng.
Tò mò muốn biết về nguồn gốc sản phẩm và con người chị nên chúng tôi đã trò chuyện và tìm hiểu thì được chị chia sẻ: Chị là Nguyễn Thị Hồng Vân sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là con thứ 2 trong gia đình có 4 người con. Vì gia cảnh quá nghèo khó nên Vân phải nghỉ học từ khi mới 12 tuổi để đi ở phụ giúp việc nhà ở TP Đà Nẵng. Đi ở cả năm làm nhiều công việc vất vả nhưng Vân chỉ được trả công có 1 chỉ vàng.
Tiền công thì quá ít không đủ giúp gia đình trang trải cuộc sống, Vân tự bắt xe đi vào Sài Gòn giúp việc nhà cho người bà con để được trả tiền công cao hơn. Trong thời gian giúp việc nhà, Vân được chủ nhà tạo điều kiện cho học thêm nghề dệt vải nhưng vì khiêm tốn chiều cao mà khung cửi thì quá cao to và nặng nên không thể theo nghề. Đến năm Vân 18 tuổi, anh trai học xong đại học, kinh tế gia đình cũng dần ổn định nên chị trở về quê học may, rồi đi làm thợ cho các chủ tiệm may lớn. Làm được 4 năm thì Vân xây dựng gia đình, năm 2005 sinh con đầu, năm 2007 sinh con thứ 2.
Cuộc sống kinh tế gia đình bấp bênh, chồng làm nghề thợ xây, vợ vừa giữ con, may đồ tại nhà; nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào đàn vật nuôi và tiền công may đồ hàng ngày.
Năm 2010 Vân bị bệnh thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người, phải đi điều trị ở Bệnh viện quân y 17 tại TP Đà Nẵng. Đàn gà ở nhà không có ai chăm bị dịch chết cả đàn gần 1.000 con khiến chị lâm vào cảnh nợ nần, 200 triệu đồng tiền vay mượn làm trang trại và mua cám chăn nuôi không có khả năng để trả.
Khó khăn chồng chất, hai vợ chồng bế con về xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc gửi nhờ ngoại chăm giúp để lên Nam Giang buôn bán lập nghiệp. Sau thời gian 2 năm mở quán ăn, chị đã dành dụm được số tiền và trả hết nợ nần; hai vợ chồng lại quay về quê, Vân cùng chồng hàng ngày xuống bến Thọ Quang ở Đà Nẵng lấy cá biển chở lên vùng núi Nam Giang bán, kết hợp thu mua hàng nông sản của bà con đồng bào về chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) để bỏ sỉ cho các đầu mối. Không dừng lại ở đó, bệnh thoát vị đĩa đệm của Vân lại tái phát, lúc này chị không thể cùng chồng đi xa để buôn bán mà ở nhà làm mắm dưa, cà ra chợ Đại Hiệp bán, còn chồng vẫn lên Nam Giang chở chuối, bưởi, thu gom hàng nông sản của bà con đồng bào về cho vợ bán tại chợ.
Đang làm ăn suôn sẻ thì chị Vân bị phát bệnh u xơ nang, u vú, lại đi điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Trong thời gian điều trị bệnh, do dùng thuốc đặc trị nặng liều nên tóc bị rụng; khi đang điều trị bệnh thì bị sốt xuất huyết làm cho tóc chị ngày càng rụng nhiều hơn. Lúc đó chị đã tìm đủ mọi cách, dùng nhiều loại dầu gội trên thị trường để cải thiện bệnh rụng tóc nhưng vẫn không khỏi rụng. Vân đã thử lấy vỏ bưởi, bồ kết, hương nhu nấu theo kiểu dân gian gội trong vòng 1 tháng thì thấy tóc mọc lên rất nhanh và không còn rụng nữa.
Năm 2019 chị Vân nảy ra ý tưởng nấu dầu gội đầu. Qua học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu sách báo và nhờ những người quen ở Đồng Nai hướng dẫn, chị chế biến dầu gội lấy tên “dầu gội Bưởi Hồng Vân”. Trước khi đưa ra thị trường, chị nhờ bà con, người quen bạn bè dùng thử, ai cũng thấy hiệu quả nên đã mạnh dạn giới thiệu cho chị bán hàng. Năm 2020 chị bán dầu gội ra thị trường tiêu thụ khá tốt; năm 2021 chị đăng ký dự thi Ý tưởng Dự án khởi nghiệp sáng tạo do tỉnh Quảng Nam tổ chức, kết quả được UBND tỉnh chứng nhận ý tưởng Dự án Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam.
Cuối năm 2021 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhà nhà ai cũng cần chanh để tăng vitamin C, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nhưng quả chanh tươi không để được lâu, chị Vân có ý tưởng dùng vườn chanh của gia đình chế biến ra sản phẩm nước cốt chanh để mọi người sử dụng tiện lợi, bảo quản được lâu (6 tháng).
Thời điểm đó, sản phẩm ra đời đúng lúc, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong đại dịch nên hàng sản xuất ra đều bán hết. Do hạn chế đi lại để phòng dịch nên chị thu mua nguyên liệu tại địa phương, tận dụng nguồn nhân lực của gia đình để làm sản phẩm. Trong thời điểm dịch, ngoài bán nước cốt chanh, tắc chị còn bán thêm lương thực, thực phẩm gửi qua trạm giữa Quảng Nam và Đà Nẵng; mỗi ngày nhận đơn hàng từ 50 đến 70 triệu đồng.
Năm 2022 chị Vân mạnh dạn đăng ký đi thi ý tưởng Phụ nữ khởi sự kinh doanh; Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, kết quả chị đoạt giải 3 Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế.
Từ tháng 2/2022 đến hiện tại, chị Vân đã thành lập được cơ sở sản xuất với quy mô không gian khép kín trên diện tích 500 m2 tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cơ sở được đã được đầu tư máy móc thiết bị đảm bảo quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện cơ sở có 5 công nhân làm việc, mỗi ngày sản xuất 400 chai nước cốt chanh để bán ra thị trường.
Để có nguồn nguyên liệu, chị ký kết hợp đồng với người dân địa phương trên địa bàn huyện Đại Lộc tổng diện tích 5 ha cung cấp nguyên liệu chanh, tắc sạch hữu cơ.
Ngoài sản phẩm chính nước cốt chanh, tắc, chị Vân còn tận dụng bã ép làm ra nhiều sản phẩm từ vỏ chanh và tắc, điển hình như: Mứt tắc rim cay, tắc xí muội, trà xả tắc, tắc thái sợi, mứt chanh thái sợi, trà sả chanh bạc hà, chanh muối thái sợi, hạt chanh bán cho tiệm thuốc nam làm thuốc… Nguyên liệu được sử dụng gần như toàn bộ, không có rác thải đưa ra môi trường. Cũng nhờ sự sáng tạo ham tìm tòi học hỏi nên chị đã giảm được chi phí mua nguyên liệu ban đầu và tăng năng suất lợi nhuận cao trong kinh doanh.
Vào tháng 7/2022, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Lào, trong đợt xúc tiến Việt - Lào tại tỉnh Se Kông, chị Vân đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Công ty Phu Kong King để cung cấp nước cốt chanh, nước cốt tắc sang thị trường bên Lào.
Khi được hỏi động lực nào giúp chị vượt qua bệnh tật và gian khó trong cuộc đời, chị tươi cười nói: “Bản thân tôi sinh ra trong gia đình nghèo khó, được ba mẹ dạy cho cách sống tự lập và trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội. Dù có bị bệnh tật thì cũng luôn suy nghĩ tích cực, bởi vì xung quanh mình vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và mang bệnh hiểm nghèo nặng hơn, vì thế nên tôi phải vượt qua để còn lo cho các con ăn học nên người. Nhưng để làm được tất cả những điều đó tôi luôn cầu nguyện xin Chúa gìn giữ và ban ơn”.
Với những nỗ lực không ngừng để vượt lên nghịch cảnh, chị Nguyễn Thị Hồng Vân được Hội Liêp hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen; và chị vinh dự đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” tỉnh Quảng Nam năm 2021.