Wednesday, Sep 21, 08:09 AM

OCOP - động lực phát triển kinh tế địa phương

Tại tỉnh Bạc Liêu, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm.

OCOP - động lực phát triển kinh tế địa phương
OCOP - động lực phát triển kinh tế địa phương

Hồng Dân là huyện thuần nông của tỉnh Bạc Liêu nên mỗi sản phẩm OCOP ở đây mang đặc trưng riêng của từng ngành nghề, mang đậm dấu ấn, sức sáng tạo của người nông dân trong quá trình gây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Bà Nguyễn Thị Liên, ở ấp Kinh Xáng, xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) là người có thâm niên gần chục năm làm khô trâu cho biết, để làm ra sản phẩm thịt khô trâu, một trong những đặc sản của địa phương quan trong phải có kỹ thuật, bí quyết kinh nghiệm lâu năm mới có thể cho ra những mẻ khô trâu ngon, giá thành hợp lý thu hút người tiêu dùng. Tại ấp Ninh Thạnh II, xã Ninh Hòa (Hồng Dân), sản phẩm thịt khô trâu đã trở thành đặc sản của địa phương này khi được người tiêu dùng khắp nơi biết đến.

Ở huyện Hồng Dân, ngoài sản phẩm OCOP khô trâu nức tiếng còn có các sản phẩm OCOP uy tín chất lượng như: Chả cá thát lát, cá thát lát tẩm gia vị sả nghệ …

Ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết, thực hiện chương trình OCOP, đến nay, huyện đã có 5 sản phẩm được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận OCOP 3 sao. Qua đó, mở ra cơ hội để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP trên thị trường. Huyện đang tập trung tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, các chủ thể làm ra sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm. “Đây sẽ là đòn bẩy góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn” – ông Thới nhấn mạnh.

Cơ sở sản xuất khô Kiều Hạnh ở ấp Nhà Việc, xã Châu Thới huyện Vĩnh Lợi nổi tiếng với thương hiệu khô cá kèo.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú - chủ cơ sở sản xuất khô Kiều Hạnh cho biết, để sản xuất được khô cá kèo ngon, bà phải chuẩn bị nhiều công đoạn để có được những mẻ cá chất lượng nhất. Cơ sở sản xuất khô Kiều Hạnh do bà Tú làm chủ đã có mặt trên thị trường 15 năm qua. Mỗi năm, cơ sở của bà cung ứng cho thị trường hơn 5 tấn thực phẩm khô các loại như: cá kèo, cá sặc bỗi, tôm khô, khô cá lóc. Trong đó, khô cá kèo là sản phẩm chủ lực được nhiều người tin dùng hàng chục năm qua.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay chương trình đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản phẩm, giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn.  

Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 52 sản phẩm đạt 3 sao và 16 sản phẩm đạt 4 sao. Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh sẽ xếp hạng, đánh giá và gắn sao công nhận thêm 22 sản phẩm OCOP.

nguy27160n-du
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/ocop--dong-luc-phat-trien-kinh-te-dia-phuong-5666717.html Copylink