Rikkeisoft bắt tay cùng “Kỳ lân” công nghệ triển khai không gian làm việc số thế hệ mới
Báo cáo mới đây của Fact.MR dự đoán, thị trường không gian làm số toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng kép 22,3% từ năm 2022 - 2032 và được định giá ở mức trên 250.2 tỷ USD.
Báo cáo mới đây của Fact.MR dự đoán, thị trường không gian làm việc số toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng kép 22,3% từ năm 2022 – 2032 và được định giá ở mức trên 250,2 tỷ USD.
Ngày 30/8, Rikkeisoft phát đi thông tin, công ty con của doanh nghiệp công nghệ này là Rikkei Digital vừa chính thức ký kết hợp tác với Larksuite (thuộc ByteDance – Singapore) trong việc cung cấp dịch vụ không gian làm việc số (digital workplace) thế hệ mới.
Với mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận nhanh không gian làm việc số, Rikkei Digital sẽ đóng vai trò tư vấn và triển khai giải pháp không gian làm việc số thế hệ mới cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và khu vực APAC, phân phối bản quyền cao cấp (phiên bản cao nhất cho doanh nghiệp).
Ở góc độ đối tác phân phối phần mềm độc lập, Rikkei Digital sẽ phát triển và tích hợp các ứng dụng mới trên nền tảng mở Open Platform và Marketplace của Lark Suite.
Ông Ngô Minh Quân, Giám đốc Rikkei Digital chia sẻ, nền tảng này được coi là không gian làm việc số “thế hệ mới” bởi khác với những nền tảng rời rạc khác, Larksuite hỗ trợ sẵn giải pháp số hoá các quy trình và phê duyệt trong doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp có thể phát triển các nghiệp vụ bên ngoài nếu muốn tích hợp.
Đặc biệt, nền tảng này còn áp dụng công nghệ AI để tăng hiệu quả công việc như công cụ dịch tự động khi giao tiếp, giảm ồn khi họp trực tuyến… Nhờ vậy, chi phí được tối ưu và không phát sinh dung lượng lưu trữ, hay băng thông sử dụng.
Về vai trò của không gian làm việc số trong việc chuyển đổi số nói chung của doanh nghiệp, ông Quân cho rằng, sự cải thiện trong trải nghiệm và chất lượng làm việc của nhân viên nhờ sự tập trung, liền mạch là yếu tố quan trọng nhất. Một không gian làm việc số hiệu quả cần giúp nhân viên phối hợp làm việc hiệu quả bằng việc giao tiếp không khoảng cách, không biên giới. Cùng với đó, các nghiệp vụ và quy trình doanh nghiệp và quản trị được số hoá.
THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC ĐỊNH GIÁ HƠN 250 TỶ USD
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nền tảng và ứng dụng hỗ trợ làm việc từ xa cũng như không gian làm việc số đã được sử dụng với tần suất cao hơn bao giờ hết khi hoạt động của nhiều lĩnh vực buộc phải chuyển từ offline sang online để thích ứng với các lệnh giãn cách xã hội…
Theo Gartner, không gian làm việc số cho phép các cách làm việc với phương thức mới, hiệu quả hơn. Đồng thời nâng cao sự gắn bó và nhanh nhạy tiếp cận thông tin của nhân viên; khai thác tốt những ứng dụng công nghệ hướng đến khách hàng.
Cụ thể, một không gian làm việc số hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp tăng khả năng giữ chân khách hàng tới 4,5 lần, hiệu suất công việc tăng 25%, hài lòng khách hàng tăng 97%, tiết kiệm 10% thời gian làm việc trong 40 giờ/tuần.
Đáng chú ý, nhiều khảo sát cho thấy, ngay cả khi các hoạt động của nhiều doanh nghiệp trở lại offline hậu COVID-19, thói quen sử dụng công nghệ trong giao tiếp và quản trị công việc dần đã trở thành thói quen của nhiều cá nhân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực sự bắt tay vào xây dựng mô hình này và thực hiện chuyển đổi số, không ít doanh nghiệp đang còn thấy lúng túng.
Báo cáo mới đây của Fact.MR dự đoán, thị trường không gian làm số toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng kép 22,3% từ năm 2022 – 2032 và được định giá ở mức trên 250.2 tỷ USD.
Điều này cho thấy, không gian làm việc số trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, khái niệm này chưa mấy quen thuộc với các nhà quản trị tại Việt Nam.
Một khảo sát công bố gần đây của WalkMe với sự tham gia của gần 1.500 lãnh đạo doanh nghiệp quy mô hơn 500 nhân sự cho thấy, có tới 70% người đứng đầu đơn vị không xác định được chính xác ai đang chịu trách nhiệm cho vấn đề ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp của mình. Trong khi 67% lãnh đạo tham gia khảo sát thừa nhận đang gặp “áp lực khủng khiếp” để thúc đẩy chuyển đổi số.
Về vấn đề này, Giám đốc Rikkei Digital Ngô Minh Quân cho rằng không gian làm việc số cần phải là một hệ thống duy nhất, liền mạch (onestop hub). Đây là không gian mà nhân viên trong doanh nghiệp có thể giao tiếp, phối hợp làm việc và thực hiện các nghiệp vụ hàng ngày.
Theo đó, một không gian làm việc số “chuẩn” cần có các cấu thành chính như quản lý giao tiếp (nhắn tin, gọi điện, hội nghị), quản lý văn bản, quản lý kho tri thức, các thủ tục hành chính cơ bản (điểm danh, nghỉ phép, tạo/duyệt yêu cầu…), quản lý năng suất làm việc và đặc biệt là khả năng tích hợp mở rộng.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đặc biệt là SME thường sử dụng rất nhiều các phần mềm khác nhau, gây hiện tượng phân mảnh trong hệ thống về mặt dữ liệu và vận hành quy trình công việc”, ông Ngô Minh Quân nói.
Ngoài ra, theo ông Quân, nhiều phần mềm (ví dụ các phần mềm chat) không phải là phần mềm chuyên dụng cho công việc còn được nhân viên sử dụng cho mục đích cá nhân, nên gây ra những lo ngại về bảo mật và an toàn thông tin.
Tuấn Việt