Saturday, Sep 22, 07:09 AM

Sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong 'bão lạm phát'

Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến đồng tiền mất giá. Việc thay đổi chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng, và tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Là nền kinh tế có độ mở lớn, vì thế kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng nhất đối với nền kinh tế đất nước hiện nay. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi lại ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong 'bão lạm phát'
Sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong 'bão lạm phát'
suc-chong-chiu-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-39b227o-lam-ph225t39_1.jpg
Do kiểm soát tốt giá cả, lạm phát được kiềm chế. Ảnh: Thanh Huyền.

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Kiểm soát giá để hóa giải áp lực lạm phát

suc-chong-chiu-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-39b227o-lam-ph225t39_2.jpeg

So với những tháng đầu năm, thời điểm này sức ép lạm phát đã giảm đi khi giá xăng, dầu thế giới giảm. Điều đó đã hạn chế áp lực tăng giá đối với tất cả các hàng hóa. Vì xăng, dầu là nguyên liệu “đầu vào” quan trọng cho nền sản xuất, cũng như lĩnh vực đường bộ. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát trong những tháng cuối năm 2022 vẫn còn. Bởi nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập rất sâu với thế giới. Hiện nay, lạm phát của tất cả các nước trên thế giới đều ở mức cao. Như Mỹ, Châu Âu, và khu vực Đông Nam Á. Do độ mở của nền kinh tế nước ta lớn nên có nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát. Bởi tiềm ẩn nguyên, nhiên vật liệu “đầu vào” bị phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài nên vẫn rất lo lắng về lạm phát.

Chúng ta thấy rằng trong 6 tháng đầu năm, đây là thời điểm áp lực lạm phát lên cao nhất. Áp lực lớn khi giá xăng, dầu tăng kỷ lục, tạo sức ép lên tất cả các loại nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã cố gắng duy trì, điều hành các chính sách để kiềm chế thành công lạm phát. Đó là thành công lớn của chúng ta trong bối cảnh sức ép lạm phát cực kỳ lớn. Chúng ta điều hành lạm phát tăng với tốc độ “chịu đựng” được, để từ đó đảm bảo trong năm 2022 lạm phát cả năm không vượt quá 6%.

Thành công của chúng ta trong lúc lạm phát cao nhất là đã dùng mọi giải pháp để kiềm chế. Nhất là trước tác động của tăng giá xăng, dầu bằng một số chính sách và công cụ hỗ trợ. Các chính sách miễn giảm thuế, các chính sách sử dụng Quỹ bình ổn giá được vận dụng một cách tối đa. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, trục lợi lợi dụng việc giá xăng, dầu lên cao. Những giải pháp đó làm cho đỡ đi một phần áp lực. Nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước qua thuế, phí, và sử dụng Quỹ bình ổn giá thì giá xăng, dầu của chúng ta phải ngang với giá của Mỹ.

Các chính sách, các công cụ của chúng ta trong điều hành giá xăng, dầu; cũng như kiểm soát giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu đã phát huy hiệu quả. Ví như giá hàng nông sản, thịt lợn, gạo, thực phẩm tăng không đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bị áp lực đối với một số sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu, sản phẩm chịu áp lực của nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến tăng giá. Nhưng thành công là chúng ta vẫn duy trì giá các mặt hàng thiết yếu ở mức không tăng đột biến, “chịu đựng” được trước áp lực lạm phát. Đó là thành công để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá xăng, dầu tăng cao.

Tôi thấy rằng, chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông để cho các doanh nghiệp (DN) hiểu. Khi xăng, dầu tăng giá nhưng thậm chí các DN vẫn kiên trì giữ vững thị trường, tin tưởng lạm phát sẽ được khống chế, giá cả xăng, dầu sẽ được kiểm soát đi xuống. Họ làm vậy để giữ được thị trường, giữ được khách hàng, làm ăn một cách lâu dài, có thể lỗ trước mắt nhưng mang tính lâu dài. Các giải pháp thị trường của chúng ta đưa ra đã rất thành công, và cái đó khiến tâm lý người tiêu dùng không hoảng loạn. Mặt dù một số hàng tiêu dùng tăng giá, nhưng nhìn chung các loại mặt hàng mà các nhà sản xuất cung ứng kiềm chế được giá, cố gắng giữ được giá không bị lỗ thì họ cố gắng giữ để giá “không tát nước theo mưa”, “hiệu ứng đám đông”. Đó là sự tổng hợp của các chính sách cho đến vấn đề điều hành tỷ giá.

Trong điều hành tỷ giá, nhiều lúc đồng tiền của chúng ta còn lên giá so với USD chứ không bị mất giá, và lên giá với các đồng tiền khác, giữ được giá trị đồng tiền. Có nghĩa nhóm giải pháp là: tài khóa + tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển + chính sách về thị trường thương mại + tuyên truyền, truyền thông đã giúp chúng ta duy trì được sự tăng giá hợp lý trong điều kiện cả thế giới trong “cơn bão khủng hoảng”, “bão lạm phát”.

Những giải pháp thành công trên trong giai đoạn “nóng bỏng” nhất chính là bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta ở thời điểm này. Theo tôi, trong những tháng cuối năm, những giải pháp đó cần phải tiếp tục được phát huy, linh hoạt vận dụng tùy từng điều kiện, thời điểm. Ví dụ, tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; trích lập quỹ đó khi giá, xăng dầu xuống để khi giá lên “đột biến” chúng ta lại có quỹ để bù đắp không để cho giá xăng, dầu tăng đột biến. Nếu cuối năm giá xăng, dầu xuống thì các công cụ thuế lại trở lại mức bình thường.

Tôi tin tưởng nền kinh tế của ta đủ mạnh, đủ sức sử dụng các công cụ mạnh để kiểm soát giá cả.

Ông Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Điều hành xuất nhập khẩu hợp lý

suc-chong-chiu-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-39b227o-lam-ph225t39_3.jpg

Lạm phát ở Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân quan trọng khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao là do mặt bằng giá thế giới. Lạm phát các nước trên thế giới ở mức 6-9%. Ngay Mỹ lạm phát cũng rất cao. Vì vậy hình thành mặt bằng giá trên thế giới rất cao. Trong điều kiện độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều lớn gấp 2 lần GDP. Do đó áp lực lạm phát trên thế giới “dội đập” và “ép” vào nền kinh tế Việt Nam, làm lạm phát xuất hiện dưới hình thức “lạm phát đẩy”, đó là yếu tố quan trọng trong việc đẩy CPI trong những tháng qua tăng cao.

Nhiệm vụ trong những tháng tới cần tập trung kiểm soát, kiềm chế lạm phát, duy trì thị trường mặt bằng giá ở mức độ hợp lý để ổn định đời sống của người dân, ổn định sản xuất kinh doanh để duy trì động lực, phát triển kinh tế một cách tích cực. Những tháng còn lại, nền kinh tế đối mặt với áp lực rất lớn. Áp lực tăng giá trên thế giới cũng như yếu tố tăng giá làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước rất lớn. Đây là thách thức của đất nước. Vì vậy Chính phủ phải cân nhắc trong quản lý điều hành, Quốc hội phải có giải pháp tích cực về mặt cơ chế chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là nhiệm vụ nóng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những tháng cuối năm. Nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, thì lạm phát có nguy cơ phá vỡ những thành tựu phấn đấu trong suốt thời gian qua.

Để ổn định thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát cần duy trì chỉ số CPI ở mức hợp lý. Lạm phát là yếu tố tổng hợp trong vận hành nền kinh tế. Vì vậy, cần giải pháp tổng thể của các ngành, các cấp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Về chính sách tiền tệ thì CPI rõ ràng đang ở mức cao, nên không thể nới lỏng để tạo thêm vốn, hạ lãi suất. Khi lạm phát “nóng” phải thực thi chính sách linh hoạt theo hướng thận trọng, chặt chẽ. Kiểm soát lại mức cung tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn để kiểm soát lạm phát.

Khi lạm phát tăng lên, các nhà sản xuất kinh doanh thường xuất hiện xu hướng đầu cơ, gây biến động thị trường đẩy giá cao lên rồi xả hàng ra thu lợi nhuận lớn hơn. Đầu cơ sẽ “rộ” lên khi lạm phát, thị trường có biến động lớn. Vì vậy trong quản lý thị trường cần tránh việc đầu cơ, tích trữ, mà cần lưu thông thông suốt. Đây là vấn đề cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ Tài chính.

Cần có giải pháp để điều hành việc xuất nhập khẩu cho hợp lý, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của thị trường trong nước. Ví dụ khi giá xăng, dầu tăng, để giảm giá nên vừa qua Quốc hội đã giảm nhiều loại thuế, phí ở mức tối đa. Cho nên giá xăng, dầu đã giảm mạnh so với thị trường thế giới, được dư luận đánh giá cao, doanh nghiệp và người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên để ổn định giá cần điều hòa xuất nhập khẩu sao cho kịp thời. Tránh tình trạng khi giá cả trong nước tăng thì nhập khẩu giảm; giá trong nước giảm thì nhập khẩu tăng, dẫn đến dính thêm “đòn đẩy” giá xăng, dầu cao lên nữa, gây áp lực lớn tới chỉ số lạm phát. Đó là bài học trong xuất nhập khẩu, cân đối cung - cầu phải bám sát thị trường trong nước và sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống để điều hành xuất nhập khẩu linh hoạt, thông thoáng hơn. Đảm bảo cân đối cung cầu một cách kịp thời trên cơ sở ổn định giá cả từng mặt hàng, không để tăng sốc, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát.

GS.TS Hoàng Văn Cường -Đại biểu Quốc hội khóa XV: Kiểm soát để tiền đi vào sản xuất

suc-chong-chiu-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-39b227o-lam-ph225t39_4.jpg

Hiện tăng trưởng kinh tế đang phục hồi khá tốt. Là nhân tố hút nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, tạo ra cung hàng hóa nhiều. Tiền hút vào sản xuất kinh doanh, hàng hóa tạo ra nhiều sẽ cân bằng hàng hóa, tiền lưu thông trong tính toán là yếu tố giảm lạm phát. Nhiều hàng hóa các nước cũng giống như Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi chỉ số về giá tiêu dùng của các mặt hàng như: giá các mặt thiết yếu, lương thực thực phẩm. Tuy nhiên lương thực, thực phẩm là cái mà ta chủ động, tự đảm bảo được cho nên có thể chủ động được nguồn đó, không tạo ra biến động về giá.

Tuy nhiên, không có nghĩa từ nay đến cuối năm chúng ta có thể chủ quan. Chúng ta phải thực hiện tổng hợp các biện pháp để kiểm soát lạm phát. Về chính sách tiền tệ cần kiểm soát dòng tiền, để tiền đổ vào khu vực đầu tư cho sản xuất kinh doanh, không để tiền đổ sang khu vực đầu cơ. Tôi rất lưu ý rằng, không phải cứ bất động sản là đầu cơ. Vì trong nhiều hoạt động về bất động sản có hoạt động về đầu tư sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Chỉ hoạt động như mua bán đất đai, hoặc sản phẩm bất động sản để “tích lũy” mới gọi là đầu cơ. Còn bất động sản đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, các công trình bất động sản, sản phẩm bất động sản, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng du lịch thì đó lại là khu vực cần thúc đẩy để tạo động lực tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.

Về chính sách tiền tệ, cần kiểm soát nhưng không có nghĩa là thắt chặt. Phải có kiểm soát để đảm bảo cân bằng. Hệ thống ngân hàng cần quản lý chặt chẽ các dòng tiền, đặc biệt kiểm tra sự lưu thông của dòng tiền để nắm bắt dòng tiền có đi vào các khu vực ưu tiên cho đầu tư hay không? Đặc biệt, các ngân hàng cần tiết kiệm các khoản chi phí để chúng ta không tăng lãi suất cho vay, nhưng có thể tăng lãi suất huy động để thu hút nhiều dòng tiền nhàn rỗi. Chúng ta đang thực hiện chính sách về phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất. Không vì áp lực lạm phát mà tăng lãi suất cho vay, nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, và nguy cơ lạm phát có thể tăng lên.

Về phía hàng hóa từ nay đến cuối năm phải kiểm soát chặt chẽ yếu tố làm tăng giá cả hàng hóa. Trước hết, vấn đề liên quan đến giá xăng, dầu. Các mặt hàng thiết yếu khác mà Chính phủ quản lý và khu vực công cung cấp cần phải được duy trì, không tăng giá. Như tiền điện, nước, viễn thông, thông tin liên lạc là chi phí cấu thành lên giá cả hàng hóa, hoặc chi phí giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng phải cần hạn chế sự tăng giá vì là vấn đề ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Đặc biệt, những sản phẩm hàng hóa tác động lớn đến nhu cầu tiêu dùng như hàng hóa thiết yếu cần có kiểm soát tốt để tránh tình trạng lợi dụng biến động của một số giá cả đầu vào để đẩy giá lên cao. Ví như thời gian qua khi giá xăng dầu tăng thì tăng lên, nhưng đến khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng tiêu dùng không chịu giảm ngay. Cho nên cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm soát.

Phải duy trì chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ rất nhịp nhàng mới tăng nguồn lực cho đầu tư phục hồi phát triển kinh tế. Chúng ta cẩn trọng đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát nhưng cũng không nên quá lo lắng vì lạm phát mà thắt chặt tất cả các nguồn lực đầu tư, làm mất cơ hội mà đà phục hồi phát triển kinh tế đang tốt lên.

Thành công của chúng ta trong lúc lạm phát cao nhất là đã dùng mọi giải pháp để kiềm chế. Nhất là trước tác động của tăng giá xăng, dầu bằng một số chính sách và công cụ hỗ trợ. Các chính sách miễn giảm thuế, các chính sách sử dụng Quỹ bình ổn giá được vận dụng một cách tối đa. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, trục lợi lợi dụng việc giá xăng, dầu lên cao. Những giải pháp đó làm cho đỡ đi một phần áp lực.

H.Vũ (ghi)
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/suc-chong-chiu-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-bao-lam-phat-5695565.html Copylink