Sunday, Aug 24, 08:08 AM

Tháo gỡ nguồn vật liệu san lấp thực hiện Dự án cao tốc Ninh Bình - Thái Bình

Nhu cầu cát đắp phục vụ Dự án PPP xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình là khoảng 13,2 triệu m3, trong đó tuyến đi qua địa bàn tỉnh Thái Bình cần khoảng 6,85 triệu m3.

Tháo gỡ nguồn vật liệu san lấp thực hiện Dự án cao tốc Ninh Bình - Thái Bình
Tháo gỡ nguồn vật liệu san lấp thực hiện Dự án cao tốc Ninh Bình - Thái Bình

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6048/VPCP - CN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp thực hiện Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình.

Phó thủ tướng giao UBND các tỉnh nói trên phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình trong việc khảo sát, đánh giá nguồn cung vật liệu san lấp (đất, đá, cát) cho Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội và Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 của Thủ tướng.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Nam Định trong việc giới thiệu cung cấp và cho phép cho nhà đầu tư đề xuất dự án (Tập đoàn GELEXIMCO) vị trí cụ thể (tọa độ) có thể khai thác mỏ vật liệu áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH ngày 28/11/2023 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Nam Định để làm cơ sở tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng nguồn vật liệu đắp đảm bảo cung cấp đủ trong phạm vi đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nam Định.

“Bên cạnh đó, UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang giới thiệu, cung cấp và xem xét chấp thuận cho Nhà đầu tư đề xuất dự án các mỏ đất, đá có thể khai thác áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH ngày 28/11/2023 của Quốc hội để khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng theo quy định”, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề xuất.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng là công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia được đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai tỉnh Thái Bình và Nam Định.

Dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27/01/2024 của Chính phủ. Khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu liên kết vùng, liên vùng, tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh Thái Bình và Nam Định nói riêng và khu vực Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Hiện UBND tỉnh Thái Bình đã chấp thuận giao Tập đoàn GELEXIMCO là đơn vị tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại, Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đã được Thủ tướng phê duyệt; Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được Cục Đường cao tốc Việt Nam thông báo kết quả thẩm định và Hội đồng thẩm định liên ngành thông báo kết luận cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án tại Thông báo số 57/TB-BKHĐT ngày 30/7/2024.

Tại các thông báo này đều yêu cầu Dự án phải đảm bảo tính khả thi trong việc xác định, đảm bảo nguồn cung vật liệu đắp nền phục vụ dự án, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính khả thi của công trình.

Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng trong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, nhu cầu cát đắp phục vụ công trình này là khoảng 13,2 triệu m3, trong đó trên địa bàn tỉnh Thái Bình cần khoảng 6,85 triệu m3.

UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản cho phép Tập đoàn GELEXIMCO được tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng tất cả các mỏ cát sông, cát biển trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, nhà đầu tư đề xuất dự án đã cơ bản hoàn thành khảo sát các mỏ cát sông, sắp tới sẽ triển khai khảo sát 11 mỏ cát biển. Đánh giá bước đầu cho thấy, trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh Thái Bình cơ bản đảm bảo cung cấp nhu cầu dự án trong phạm vi đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình.

Cũng theo tính toán, nhu cầu cát đắp trên địa bàn tỉnh Nam Định phục vụ Dự án CT.08 là khoảng 6,37 triệu m3. UBND tỉnh Thái Bình đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Nam Định đề nghị xem xét, thống nhất, chỉ đạo các sở, ngành chức năng của địa phương hỗ trợ và cung cấp cho nhà đầu tư đề xuất dự án danh mục các mỏ đất, cát (sông, biển) có thể khai thác áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH ngày 28/11/2023 của Quốc hội để khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng theo quy định.

Vào đầu tháng 8/2024, UBND tỉnh Nam Định có Văn bản số 769/UBND-VP3 cung cấp thông tin các mỏ cát phục vụ Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình.

Tại công văn này, UBND tỉnh Nam Định đã giới thiệu các mỏ cát ven biển thuộc địa phận tỉnh Nam Định đã được cấp phép khai thác (thuộc huyện Nghĩa Hưng và huyện Giao Thủy). Tuy nhiên các mỏ này đều không thuộc trường hợp được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định; do đó dẫn đến khả năng không đảm bảo nhu cầu cung cấp cho dự án trong phạm vi đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Nam Định.

Dự án PPP xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình có chiều dài 61 km do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền. Dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 19.785 tỷ đồng.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến TP. Hải Phòng, Quảng Ninh; tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên hành lang vận tải nói trên.

Theo dautu https://baodautu.vn/thao-go-nguon-vat-lieu-san-lap-thuc-hien-du-an-cao-toc-ninh-binh---thai-binh-d223200.html Copylink