Monday, Jun 23, 03:06 PM

TP HCM: 5 tháng đầu năm tín dụng tăng khoảng 2,43 %

Ngày 5/6, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, tín dụng trên địa bàn TP HCM 5 tháng đầu năm dự ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND tăng 2,21%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,46% so với cuối năm 2022.

TP HCM: 5 tháng đầu năm tín dụng tăng khoảng 2,43 %
TP HCM: 5 tháng đầu năm tín dụng tăng khoảng 2,43 %

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, diễn biến này cùng xu hướng với cả nước (cả nước tín dụng VND tăng 2,39%, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35%).

tp-hcm-5-th225ng-dau-nam-t237n-dung-tang-khoang-243-_1.jpg
5 tháng đầu năm, tín dụng tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm, so với 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021, nhưng cao hơn năm 2020. 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng 8,8%; năm 2021 tăng 4,76% và năm 2020 tăng 1,75%.

Phân tích cơ cấu tín dụng theo thời hạn nợ, loại tiền và khối ngân hàng, cũng như nhóm ngành lĩnh vực cho thấy, tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

“Sự ổn định kinh tế vĩ mô và những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

tp-hcm-5-th225ng-dau-nam-t237n-dung-tang-khoang-243-_2.jpg
Dù tín dụng có tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp nên không ít doanh nghiệp than thở vì thiếu vốn sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, thời gian tới sẽ có những yếu tố tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng. Đơn cử, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đây là yếu tố nền tảng quan trọng để tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát huy các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, chính sách lãi suất và cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ được ban hành trong thời gian qua, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất, mà còn tạo thanh khoản, dòng tiền để doanh nghiệp duy trì, ổn định và tăng trưởng qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những chính sách này, với nội hàm vừa hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, vừa tạo điều kiện giảm lãi suất và luân chuyển vốn thuận lợi trong nền kinh tế, qua đó kích thích, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế nói chung và kinh tế thành phố nói riêng là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, đặt trong mối quan hệ ngân hàng- khách hàng và nền kinh tế. “Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế là môi trường, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng”, ông Lệnh nói.

Thanh Giang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tp-hcm-5-thang-dau-nam-tin-dung-tang-khoang-243-5719796.html Copylink