Wednesday, Dec 23, 02:12 PM

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới...

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024

Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.

Ảnh internet.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh internet.

Nền kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi rất cơ bản, vừa tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là triển khai các giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng...

Dự báo của IMF, năm 2024 tăng trưởng bình quân kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 2,9%, trong đó Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024.

Theo ADB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại, cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kì vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan.

Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo. Tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thức đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần từ cuối năm 2023 đến năm 2024, khi nền kinh tế Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu - EU bắt đầu phục hồi.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn. Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), các nhóm chỉ tiêu về xử lí nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng. Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh internet.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh internet.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cần kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Với năm 2024, Chính phủ đặt trọng tâm điều hành nền kinh tế vào việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 03 đột phá chiến lược, 60 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu; ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số, quyết liệt triển khai Đề án 06 về cơ sở dữ liệu dân cư.

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung có trọng tâm, không dàn trải, kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Xử lí nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng yếu kém. Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tiếp tục xử lí các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn…;

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lí, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; bảo đảm tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch. Trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm về phân cấp trọn gói, cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện.

Thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Dự toán thu ngân sách Nhà nước 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển.

Trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Ảnh internet.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh internet.

Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các FTA đã kí kết; đẩy mạnh đàm phán, kí kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phục hồi và phát triển các loại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng… Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng; đồng thời, thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, nhưng phải bền vững. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn.

Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lí nợ xấu; tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lí nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

Tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh đầu tư vốn của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nhất là các dự án quy mô lớn, tác động dẫn dắt, lan tỏa trong các ngành kinh tế chủ lực, các ngành, lĩnh vực mới; sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2024, với tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách Nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP.

Xuân Hà (t/h)
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/trien-vong-kinh-te-viet-nam-nam-2024-a207753.html Copylink