Friday, Jan 25, 09:01 AM

Từng bước tiếp cận tài chính xanh

Tài chính xanh có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp (DN) thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, triển khai các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, đồng thời đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Vậy các DN cần làm gì để thuận lợi tiếp cận tài chính xanh?

Từng bước tiếp cận tài chính xanh
Từng bước tiếp cận tài chính xanh

Cơ hội cho các doanh nghiệp

Tài chính xanh là một công cụ chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cả trên thế giới và tại Việt Nam. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ năm 2017 đến 2023, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân hơn 22% mỗi năm. Chỉ với 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh vào năm 2017, đến nay Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2022 - 2024, nhiều DN đã phát hành thành công trái phiếu xanh: EVNFinance huy động được 73,7 triệu USD; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng và Vietcombank huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà - quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết, tài chính xanh mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề như năng lượng tái tạo, bất động sản, nông nghiệp bền vững và tiêu dùng. Ngoài ra còn giúp DN thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, triển khai các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Hiện các DN niêm yết trên sàn chứng khoán ngày càng chú ý đến việc báo cáo phát triển bền vững, nhằm thể hiện cam kết với sự phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt công chúng, khách hàng, đối tác và nhà đầu tư. Số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng đã tăng từ con số 12 vào năm 2022, lên con số 33 báo cáo vào năm 2024. Đặc biệt, các DN đã chú trọng lập báo cáo phát thải khí nhà kính.

TS Trần Du Lịch nhận định, tín dụng xanh là yếu tố thúc đẩy DN chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Tuy nhiên, ông Lịch cũng thừa nhận tỷ trọng tín dụng xanh còn khiêm tốn, khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế.

Chia sẻ về thị trường tài chính xanh Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, thị trường tài chính xanh tại Việt đang có sự phát triển tích cực với 3 cấu phần chính là tín dụng xanh, trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh. Trong đó, hệ thống ngân hàng và tài chính chính là “huyết mạch” dẫn dòng vốn đến các dự án xanh, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa các mục tiêu môi trường toàn cầu. Đặc biệt, dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên. Điều này cho thấy sự chuyển đổi nhận thức của các tổ chức tài chính cũng như toàn xã hội.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh

Theo ông Trần Hoài Phương - Giám đốc khối khách hàng DN HDBank, chuyển đổi xanh đang trở thành trào lưu mạnh mẽ trên toàn cầu, tạo ra cơ hội mới đầy tiềm năng cho DN Việt Nam, đặc biệt là các DN xuất khẩu. Nhiều quốc gia đang đặt ra các tiêu chuẩn cao về sản phẩm xanh, tạo ra thị trường khổng lồ cho các DN Việt Nam nếu đáp ứng được các yêu cầu này. Sản phẩm xanh thường được người tiêu dùng đánh giá cao hơn, giúp DN xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo dựng lòng tin với khách hàng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay việc tiếp cận nguồn tài chính xanh, cụ thể là tín dụng xanh của DN còn rất khó khăn, bởi chưa có bộ tiêu chí cụ thể đánh giá thế nào là dự án xanh. Do đó, cần sớm có bộ tiêu chí về dự án xanh giúp DN thuận lợi tiếp cận nguồn tín dụng xanh, thúc đẩy đầu tư xanh, chuyển đổi xanh.

Trước thực trạng trên, TS Trần Du Lịch đề xuất các giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng để mở rộng tiếp cận tín dụng xanh cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Các tổ chức tín dụng cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy tín dụng xanh như xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính xanh có chuyên môn cao để tư vấn và hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, không chỉ tập trung vào các dự án lớn như điện gió, điện mặt trời mà còn mở rộng đến các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái kinh tế xanh.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) cho hay, ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thực thi, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để đủ điều kiện thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu khó tính nhưng đầy tiềm năng. Về phía Công ty, chiến lược được đề ra là xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế nên xác định xanh hóa trong hoạt động, sản phẩm. TTC AgriS tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào công tác quản trị, vận hành. Hoạt động quản trị của TTC AgriS bao gồm các chủ đề về bền vững, chỉ số tài chính xanh.

Theo ddk https://daidoanket.vn/tung-buoc-tiep-can-tai-chinh-xanh-10297638.html Copylink