Saturday, Aug 21, 02:08 PM

Yên Bái: Trồng mắc ca xen cây chè

Cây mắc ca khi trồng xen trên diện tích chè, cà phê cho hiệu quả rất cao.

Yên Bái: Trồng mắc ca xen cây chè
Yên Bái: Trồng mắc ca xen cây chè

Năm 2021, tỉnh Yên Bái đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện đề tài khoa học “Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái” để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống cây mắc ca khi thử nghiệm trồng với 2 phương thức trồng thuần và trồng xen trên đồi chè, tại 3 huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải với tổng diện tích 12 ha, với sự tham gia của 10 hộ gia đình.

Để thực hiện đề án, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái tổ chức 5 buổi tập huấn đầu vườn cho trên 400 hộ nông dân và cán bộ địa phương có những hiểu biết về cây mắc ca, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường mang lại khi trồng cây mắc ca cũng như những hạn chế, khó khăn khi trồng cây mắc ca.

Bên cạnh việc theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế của trồng cây mắc ca, tỉnh Yên Bái cũng xác định được sơ bộ khoảng gần 1.600 ha diện tích đất có khả năng trồng mắc ca giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 500 ha trồng xen canh chè tại huyện Văn Chấn, gần 1.100 ha trồng thuần tại các địa phương.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt , cây mắc ca là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên trồng khoảng năm thứ 3 ra bói và đến năm thứ 7 - 8 cho thu hoạch nhiều. Cây mắc ca khi trồng xen trên diện tích chè, cà phê cho hiệu quả rất cao. Trong khi đó, Yên Bái là tỉnh có điều kiện, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây mắc ca, đặc biệt huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn, phù hợp trồng xen cây mắc ca.

Tại huyện Văn Chấn, qua khảo sát thực tế cũng như lợi ích kinh tế cây mắc ca mang lại, huyện đã triển khai đề án trồng mắc ca xen chè tại 5 xã, thị trấn với mục tiêu đến năm 2023 có 400 ha mắc ca xen chè. Đồng thời, hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã, giữa sản xuất và chế biến mắc ca. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị canh tác, tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Văn Chiến, thôn Hải Chấn, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn cho biết, năm ngoái, ông được Nhà nước hỗ trợ giống và đăng ký trồng 50 cây trên diện tích chè của gia đình. Sau 1 năm chăm sóc, ông nhận thấy cây này phát triển khá tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây.

Theo ông Lò Văn Kiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hội, năm 2020, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và huyện Văn Chấn phối hợp triển khai thực hiện mô hình trồng 5 ha cây mắc ca xen chè với mật độ 150 cây/ha tại thôn Hải Chấn. Sau 1 năm trồng, cây sinh trưởng tốt, cao từ 1,3-1,5 m và đang phân cành cấp 1.

Văn Chấn hiện có 4.485,1 ha chè; trong đó, có 376,4 ha chè trồng mới, 4.108,7 ha chè kinh doanh với năng suất bình quân đạt 110,35 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất cây chè còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nơi, việc trồng và chăm sóc còn hạn chế làm giảm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vì thế, cây mắc ca với nhiều ưu điểm về giá trị kinh tế, tăng độ che bóng mát sẽ góp phần tăng năng suất của cây chè và thu nhập cho người trồng chè. Đến hết tháng 7/2021, huyện Văn Chấn đã có 320 hộ đăng ký tham gia đề án với 180 ha; trong đó, các hộ đã trồng được trên 70 ha.  

vd21651ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/yen-bai-trong-mac-ca-xen-cay-che-5663632.html Copylink