Tuesday, Oct 22, 10:10 AM

"Bão hóa" tín dụng nhiều công ty tài chính không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép

Tín dụng đen đội lốt công ty công nghệ, ứng dụng cho vay, nhập nhèm với công ty tài chính khiến khách hàng khó phân biệt và gây ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính.Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt đ

"Bão hóa" tín dụng nhiều công ty tài chính không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép

LTS: Nghị quyết 01 ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hưởng ứng rất nhanh và chuẩn với những quy định về cho vay, huy động lãi suất đối với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức vay vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Mức lãi vay đã có quy định cụ thể với những tiêu chuẩn kèm theo... Hiểu nôm na rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về mức lãi trần để các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay. Các công ty tài chính hay công ty cho vay tiêu dùng đã mang lại sự tiện lợi nhất định cho khách hàng của họ, tức người tiêu dùng. Sản phẩm của công ty đã tạo ra thương hiệu của họ. Khách quan mà nói, họ có những đóng góp nhất định cho thị trường tài chính mở nhưng quá trình hoạt động, họ đã không giữ được tính khách quan đó mà ngày càng bộc lộ nhiều hành vi mang tính "lách luật". Thời gian gần đây, sản phẩm của các thương hiệu công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng thường xuyên bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc mập mờ trong hoạt động cho vay, lãi suất; đòi nợ kiểu đe dọa, quấy rối, ép buộc khiến cuộc sống của khách hàng, người tiêu dùng bị đảo lộn.

Những thương hiệu chúng tôi nêu, là đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng.Thương hiệu & Công luận cho rằng, với một doanh nghiệp đã có thương hiệu thì những phản ánh trên có thể là chưa chuẩn, có thể do người tiêu dùng chưa hiểu hết các quy định... có thể và có thể. Vì thế, phóng viên trực tiếp tìm hiểu và vay vốn thì phát hiện phản ánh của người tiêu dùng về lãi suất "khủng" tại các công ty tài chính không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và các thông tin mập mờ khác là có thật. Còn những tư vấn vay thì đơn giản đến hời hợt và vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tạp chí Thương hiệu & Công luận lột tả những hoạt động cho vay, bóc tách lãi suất... của các công ty gắn mác "công ty tài chính" qua loạt chuyên đề "Bão hóa tín dụng trong thời đại công nghệ 4.0"

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế" ngày 18/10/2022, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Ngày 18/10/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức hội thảo: “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”.
Ngày 18/10/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức hội thảo: “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”. Ảnh NHNN.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận rằng, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới. Thực tế này cũng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

Tính đến ngày 30/06/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2021, trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22,2% dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 11,6% so với cuối năm 2021.

Tính đến ngày 30/06/2022, tổn dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cuối năm 2021 trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021.

Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, tiếp cận được dòng vốn của các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi hoạt động cho vay tín dụng trái pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Báo cáo của NHNN nhấn mạnh, hiện chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Danh sách 16 Công ty tài chính được Ngân Hàng Nhà Nước cấp phép hoạt động

Tính đến 30/06/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoàng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,5% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó, công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng.

Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

Các công ty mạo danh cụ thể là một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các app cho vay... không phải do NHNN cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng. Những công ty này tự đặt tến mập mờ là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do NHNN cấp phép.

Bão hóa tín dụng trong thời đại công nghệ 4.0,  gắn mác công ty tài chính 

Mặc dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động cho vay tín dụng trái pháp luật, nhưng hoạt động thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Bởi lẽ, một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay (không phải do NHNN cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước câp phép.

Thậm chí, ông Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, cho hay gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo gõi của cơ quan chức năng.

Đồng thời, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Tiến sỹ Luật sư Trần Đình Triển, nguyên Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tiến sỹ Luật sư Trần Đình Triển, nguyên Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Nếu hoạt động vay và cho vay vì mục đích kinh doanh, phát triển kinh tế, đời sống xã hội có tính chất thường xuyên thì phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật là: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các Tổ chức tín dụng. Và được xác định đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện những hoạt động kinh doanh đến tín dụng (huy động vốn và cho vay) có tính chất thường xuyên phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) cấp phép.

Nếu rơi vào trường hợp núp dưới danh Công ty mà không có giấy phép của NHNN cho phép hoạt động cho vay mà Công ty cho vay thường xuyên nhiều đối tượng với lãi suất cao mà kiếm lời bất hợp pháp thì cần căn cứ Chỉ thị 12/CT-TTg 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt hoạt động tín dụng đen và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an đối với lực lượng Công an, tăng cường biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi áp dụng các biện pháp ngoài pháp luật để thu hồi nợ.

"Bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” “hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng” là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng".

Tiến sỹ Luật sư Trần Đình Triển, nguyên Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

"Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước", Ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit, thực trạng các công ty tài chính bị hiểu nhầm là hoạt động cho vay tín dụng trái pháp luật đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

Những lời mời gọi vay tài chính hỗ trợ đến tối đa
Những lời mời gọi vay tài chính hỗ trợ đến tối đa.

"Nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app vay cho vay uy tín. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi nhờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo. Vì vậy, công ty đang rất loay hoay để giải quyết bài toán này", ông Phúc chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tính dụng các ngành kinh tế NHNN cho hay, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế hoạt động cho vay tín dụng trái pháp luật, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp. 

Trong đó, một mặt NHNN đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.

Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của hoạt động cho vay tín dụng trái pháp luật.

Tạp chí Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin liên quan đến hoạt động cho vay tài chính tín dụng đang hoạt động mang thương hiệu tienngay.vn, true money, T99...

Hoàng Thăng

Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp 

 
Theo Thương Hiệu Công Luận https://thuonghieucongluan.com.vn/tin-dung-den-nup-duoi-vo-boc-cong-ty-tai-chinh-khong-duoc-ngan-hang-nha-nuoc-cap-phep-a181809.html Copylink