Ngân hàng ‘vượt bão’
6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế trải qua nhiều thách thức, nhưng khối ngân hàng vẫn báo lãi nghìn tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính quan trọng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Gam màu sáng
Bức tranh tài chính ngân hàng 6 tháng đầu năm mang sắc màu sáng khi nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính với những con số đầy ấn tượng.
Theo đó, công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của ngân hàng MSB cho biết, tổng thu nhập thuần của MSB lũy kế 6 tháng đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 77% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần 6 tháng (NII) đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước với biên lãi thuần (NIM) đạt 3,73% lũy kế 4 quý gần nhất (so với mức 2,96% cùng kỳ).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt gần 2.400 tỷ đồng. MSB cũng cho biết, thu nhập từ lãi tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm, đạt hơn 91 nghìn tỷ đồng.
Còn với SHB, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm 2020. Dữ liệu phân tích cho biết thu nhập từ lãi của SHB trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 nhờ việc phát triển hoạt động tín dụng ngay từ đầu năm để thúc đẩy dư nợ cho vay bình quân 6 tháng tăng, từ đó tạo nguồn thu cho ngân hàng.
Với quy mô khiêm tốn hơn, VietABank cũng vừa công bố báo cáo tài chính với tăng trưởng rất cao. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II của ngân hàng đạt 282 tỷ đồng, tăng 315% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận VAB đạt 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ.
Giảm dần phụ thuộc vào tín dụng
Dư luận đặt câu hỏi: Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) khó khăn, ngân hàng báo lãi liệu có phản cảm? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Full Bright) nêu quan điểm, trong đại dịch, không chỉ một ngành mà nhiều ngành vẫn có tăng trưởng tốt, như các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng chỉ rõ, lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán hiện là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách cả nước.
Điểm tích cực nhất trong đợt khủng hoảng này là, lần đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế đối đầu với khủng hoảng, nhưng sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn ổn định. Điều này có được nhờ 5 năm qua chúng ta đảm bảo tăng trưởng tốt và không tăng trưởng nóng, không tăng trưởng tín dụng quá đà, lạm phát được kiểm soát. Các ngân hàng có nhiều đổi mới về quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
“Nhiều ý kiến băn khoăn rằng ngân hàng vẫn tăng trưởng, trong khi nhiều ngành khó khăn. Nhưng đây là câu chuyện thị trường. Điều quan trọng là các ngân hàng vẫn huy động và phân bổ được vốn cho nền kinh tế. Nếu ngân hàng đứng vững, đảm bảo thanh khoản mới có thể cung ứng vốn cho DN”, ông Thành phân tích.
Ngoài ra, theo ông Thành, một lĩnh vực khác tăng mạnh thời gian qua là tín dụng tiêu dùng. Mặc dù nhiều người lao động vẫn phải vay trên thị trường chợ đen nhưng các tổ chức tín dụng hiện nay đã đảm bảo được một phần. Người lao động vẫn có thể vay tín dụng tiêu dùng từ ngân hàng. Lãi suất tất nhiên cao vì đây là lĩnh vực rủi ro và ngân hàng phải trích lập dự phòng. Đây là tín hiệu tích cực cả về vĩ mô lẫn hỗ trợ an sinh xã hội.
Còn theo ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng giám đốc OCB, hệ thống tài chính, các ngân hàng trong 2 năm vừa qua hoạt động tốt nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất, là sự khác nhau giữa khủng hoảng dịch bệnh với khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 với mức tác động khác nhau.
Trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 thập kỷ, thị trường gần như mất thanh khoản, rủi ro về đối tác ảnh hưởng lớn đến thanh khoản toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên trong cuộc khủng hoảng lần này, hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động tốt nhờ chính sách của Ngân hàng trung ương can thiệp kịp thời hỗ trợ nền kinh tế đặc biệt là doanh nghiệp.
Thứ hai, trong 2 năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khả quan với GDP trên 6%, lạm phát và lãi suất được duy trì ổn định. Thứ ba, sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, Chính phủ đã đi qua giai đoạn cơ cấu 5 năm lần thứ nhất và ngân hàng đã đáp ứng được năng lực tài chính, đặc biệt về nguồn vốn.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phần lớn các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu. Thêm nữa, các ngân hàng liên tục sáng tạo mở rộng các sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu. Trước đây, thu tín dụng trên 90% thì đến nay các ngân hàng đã giảm được sự phụ thuộc vào tín dụng.