Con voi ma mút khổng lồ đi "2 vòng quanh Trái đất"
Phân tích ngà voi ma mút lông xoăn các nhà khoa học phát hiện con voi này đã di chuyển quãng đường tương đương 2 vòng quanh Trái đất.

Phân tích ngà voi ma mút lông xoăn các nhà khoa học phát hiện con voi này đã di chuyển quãng đường tương đương 2 vòng quanh Trái đất.
Voi ma mút lông xoăn là anh em họ của loài voi ngày nay. Sinh vật cổ đại to lớn này đã lang thang ở các vĩ độ phía bắc của Trái đất trong thời kỳ lạnh giá của thế Cánh Tân.
Nghiên cứu phân tích hóa chất chứa bên trong ngà con voi ma mút lông xoăn được các nhà khoa học thực hiện đã làm sáng tỏ khả năng di chuyển cực kỳ cao của con vật này.
Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học quốc tế thực hiện về sinh vật kỷ Băng hà này đã được đăng trên tạp chí Science.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Matthew Wooller, Đại học Alaska Fairbanks, Mỹ, cho biết, chưa rõ sự di chuyển này là di cư theo mùa hay liên quan đến yếu tố nào khác.
"Con voi ma mút lông xoăn này đã đến nhiều vùng của Alaska vào một thời điểm nào đó trong suốt thời gian sống. Điều này thật đáng kinh ngạc khi nhận thấy quãng đường đó lớn như thế nào" - Tiến sĩ Matthew Wooller nói.
Ngà của voi ma mút gần giống như vân gỗ của cây trong việc ghi lại thông tin về sự sinh trưởng của con vật.
Thêm vào đó, một số nguyên tố hóa học được tích hợp vào ngà khi con vật còn sống có thể đóng vai trò như những chiếc đinh ghim trên bản đồ, thể hiện nơi con vật đã đi qua.
Kết hợp 2 điều này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra lịch sử đi lại của con voi ma mút đực sống ở Alaska cách đây 17.000 năm. Xác của con voi ma mút này được tìm thấy gần dãy núi Brooks của bang Alaska.
Voi ma mút đều đặn thêm lớp mới vào ngà trong suốt cuộc đời. Những dải tăng trưởng của ngà voi trông giống như những chiếc vỏ kem ốc quế xếp chồng lên nhau, cung cấp một bản ghi chép theo thứ tự thời gian về sự tồn tại của sinh vật.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp hành trình của con vật bằng cách nghiên cứu các loại nguyên tố hoặc đồng vị của stronti và ôxy có trong chiếc ngà dài 1,5m. Kết quả dữ liệu phù hợp với các bản đồ dự đoán các dạng đồng vị trên khắp Alaska.
Các nhà khoa học phát hiện voi ma mút đã di chuyển 70.000km cảnh quan Alaska trong suốt 28 năm tồn tại trên hành tinh. Để so sánh, chu vi của Trái đất là 40.000km.
Nghiên cứu cũng đưa ra manh mối về sự tuyệt chủng của voi ma mút. Việc rừng xâm lấn vào môi trường đồng cỏ ưa thích của voi ma mút vào cuối Kỷ Băng hà đã gây áp lực lên loài sinh vật này. Rừng làm giới hạn khoảng cách di chuyển kiếm thức ăn và khiến voi ma mút có nguy cơ bị săn mồi cao hơn.