Mở cửa, kể cả Omicron ‘tàng hình’
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố thời điểm bỏ quy định cách ly đối với người mắc Covid-19 và sẽ dừng xét nghiệm đại trà miễn phí. Theo đó, mọi quy định giới hạn trong phòng, chống Covid-19 được dỡ bỏ tại Anh từ ngày 24/2 và việc xét nghiệm đ...


Đó là động thái mới nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19 ở nước Anh- quốc gia từng là tâm điểm đại dịch và cũng là nơi biến thể Alpha được công bố đầu tiên. Nước Anh cũng từng có “ngày tự do”, ngày 19/7/2021, khi lần đầu tiên gỡ bỏ những hạn chế khắt khe chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Nhưng không lâu sau đó, biến thể Delta bùng phát dữ dội, các biện pháp hạn chế lại phải kích hoạt. Cũng như các nước châu Âu khác, mùa Giáng sinh và lễ đón năm mới 2022 vừa qua, tại xứ sở sương mù bao trùm không khí lạnh lẽo, vắng vẻ.
Châu Âu và châu Phi chuẩn bị cho “thời kỳ yên bình”
Rồi Omicron xuất hiện như một sự đe dọa. Nhưng nó cũng nhanh chóng được coi là biến thể yếu, cho dù có thể lây lan nhanh gấp 5 lần so với Delta. Người Anh sau phút chóng váng ban đầu đã lấy lại tinh thần, quyết tiến về phía trước bất chấ số ca lây nhiễm mới gia tăng.
Tuy nhiên, Hiệp hội Y khoa Anh cho rằng việc đó sẽ khiến khó bảo vệ được những người có nguy cơ mắc Covid-19. Quan chức y tế trưởng Anh Chris Whitty cho rằng việc chấm dứt quy định giới hạn trong phòng, chống dịch là quá trình tiến hành dần chứ không phải “mọi thứ đột nhiên dừng lại”.
Cùng chung quan điểm này, TS Chaand Nagpaul, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y tế Anh (BMA) cũng bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong quy định xét nghiệm và cách ly. Ngoài ra, TS Nagpaul cũng phản đối việc tính phí xét nghiệm Covid-19 vì điều này sẽ không khuyến khích những người có triệu chứng nhẹ và khiến ngành y tế khó ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới.
Giống như nước Anh, Bộ Y tế Pháp cho biết, nước này có thể bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine vào giữa tháng 3 tới. Trong dự báo triển vọng tình hình dịch bệnh mới công bố, Viện Pasteur Pháp bày tỏ sự lạc quan rằng làn sóng dịch thứ 5 tại Pháp sẽ sớm được khống chế.
Theo cơ quan này, sang đầu tháng 3, số bệnh nhân phải nhập viện mới mỗi ngày sẽ giảm mạnh, từ mức gần 2.000 ca hiện nay xuống chỉ còn khoảng 500 trường hợp. Số bệnh nhân phải hồi sức tích cực từ trung bình gần 230 ca/ngày cũng giảm còn khoảng 70 người.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, nước này có thể bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine nếu hội đủ 2 tiêu chí, đầu tiên là các bệnh viện không còn ở trong tình trạng quá tải, cụ thể là tổng số ca phải hồi sức tích cực chỉ còn dao động từ 1.000-1.500 trường hợp; và thứ hai là tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục đà suy giảm 50% sau mỗi tuần như hiện nay.
Theo Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng khoa học Pháp, kế hoạch bỏ quy định về thẻ vaccine vào cuối tháng 3/2020 là hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, Giáo sư Bruno Megarbane, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Lariboisière de Paris bày tỏ lạc quan một cách thận trọng: “Phần lớn người dân Pháp đã được trang bị một lớp miễn dịch bảo vệ nhờ tiêm phòng vaccine hoặc đã từng nhiễm virus, nhất là nhiễm biến thể Omicron ít nguy hiểm hơn. Lớp miễn dịch bảo vệ này sẽ mang lại sự yên tâm và giúp cuộc sống bình thường trở lại trong một thời gian nhất định, nhưng không có nghĩa là mọi nguy cơ đã bị loại trừ”.
Theo TS Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, châu lục này có thể sớm bước vào “thời kỳ dài yên bình” nhờ biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn, mức độ miễn dịch cao và sự xuất hiện của của thời tiết mùa xuân ấm áp hơn. Đánh giá tích cực của ông cho biết 53 quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Anh, đã có mức độ bảo vệ cao hơn, ngay cả khi một biến thể mới, nguy hiểm hơn Omicron xuất hiện.
Còn tại châu Phi, theo WHO, châu lục này được cho là đang trên đà thoát khỏi đại dịch và tiến tới giai đoạn kiểm soát Covid-19 trong dài hạn.
TS Matshidiso Moeti, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của WHO nhận định: “Đại dịch đang chuyển sang một giai đoạn khác. Chúng tôi tin rằng châu Phi đang chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 như bệnh đặc hữu, đặc biệt khi tỉ lệ tiêm chủng đang dần tăng lên”.
Bà Moeti cũng cho biết, nếu châu Phi mất 29 tuần để kiểm soát làn sóng lây nhiễm đầu tiên, thì thời gian này giảm xuống còn 6 tuần với làn sóng thứ tư. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn đó khi mới chỉ có khoảng 11% người dân châu Phi được tiêm chủng ngay cả khi khu vực này đã tiếp nhận 670 triệu liều vaccine Covid-19.
Dẫu thế thì thực tế cho thấy châu Phi là khu vực mới nhất đang thoát khỏi đại dịch và bước vào một giai đoạn ổn định hơn. Tuy vậy, nói như Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thì đại dịch còn lâu mới kết thúc và còn quá sớm để các nước dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.
“Dù bạn sống ở đâu trên thế giới, thì chắc chắn vẫn chưa thể thoát khỏi đại dịch”, ông Tedros nói và cho rằng châu Phi là một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao nhất.
Y tế công cộng và kinh tế không tách biệt, chúng đan xen vào nhau
Mới đây, giới khoa học đã gửi thông điệp về vấn đề dỡ bỏ hạn chế Covid-19. Các nhà khoa học khuyến cáo cần có sự cẩn trọng và rõ ràng khi nhiều nước trên khắp thế giới đều đi theo con đường bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19. Một số nhà khoa học và quan chức y tế cảnh báo rằng các động thái chấm dứt quy định phòng dịch Covid-19 có thể là quá sớm trong giai đoạn này của đại dịch.
Vào cuối tháng 1, làn sóng Omicron tại Nam Phi bắt đầu giảm nhiệt, Chính phủ đã tuyên bố những người dương tính với Covid-19 nhưng không có triệu chứng sẽ không cần phải cách ly.
Giáo sư Mosa Moshabela (Đại học KwaZulu-Natal) đánh giá các chỉ thị này là “đầy đủ và mạnh mẽ” trong điều kiện số ca mắc mới giảm, mức độ miễn dịch cao. Nhưng ông cảm thấy Chính phủ “thiếu sót” trong việc truyền đạt các chính sách cách ly mới đến công chúng đồng thời ông nhấn mạnh đến sự cần thiết của “trách nhiệm cá nhân”.
Giáo sư Moshabela phân tích: “Họ cần nói rằng chúng tôi không bắt buộc các bạn cách ly nếu không có triệu chứng, nhưng điều này không có nghĩa bạn từ bỏ trách nhiệm bảo vệ những người xung quanh mình”.
Tại Anh, trước kế hoạch bãi bỏ hạn chế vào đầu tháng 3, Giáo sư Paul Hunter (Đại học East Anglia) đã cho rằng nên nới lỏng hạn chế tại Anh từ cuối mùa Đông, nghĩa là hết tháng 3. Ông nói: “Quan điểm của tôi là sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta đợi đến hết tháng 3 khi virus đường hô hấp lây truyền chậm hơn và giảm bớt”.
Ở thời điểm hiện tại, giới y tế cho rằng không đáng lo về số ca lây nhiễm mới, nhưng phải rất thận trọng đối với người già (trên 80 tuổi), những người mắc bệnh nặng (đặc biệt là bệnh về phổi, tim, thận), người thừa cân béo phì và người mắc bệnh nền chưa được kiểm soát.
Giám đốc chiến lược Quỹ từ thiện Scope (Anh) nêu ý kiến: “Không nên buộc bất cứ ai phải đánh cược với cuộc đời của họ, chúng ta cần Chính phủ giải thích với người khuyết tật họ sẽ an toàn thế nào nếu những quyết định này được áp dụng”.
Ông Raywat Deonandan (Đại học Ottawa, Canada) cảnh báo rằng chấm dứt quy định cách ly tại một số quốc gia nơi khả năng miễn dịch của dân chúng chưa đạt mức cao có thể tăng rủi ro lây truyền Covid-19 trong cộng đồng, cũng như tăng các ca mắc hội chứng Covid kéo dài.
“Mặc dù chắc chắn khoảng thời gian cách ly có gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, tạo tình trạng thiếu hụt lao động nhưng dịch Covid-19 bùng phát ở những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể khiến người lao động mệt mỏi và hiệu quả làm việc kém đi, gây tổn thương cho kinh tế”, ông Deonandan nói và nhấn mạnh: Y tế công cộng và kinh tế không tách biệt, chúng đan xen vào nhau.
Còn theo TS Timothy Sly (Đại học Toronto, Canada) thì việc nới lỏng các hạn chế khi số ca mắc mới giảm là có thể xảy ra nhưng không để virus lây lan mất kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện. “Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch cần phải thực hiện chậm rãi và cẩn trọng, theo dõi các chỉ số ở bệnh viện, khu chăm sóc tích cực và lượng virus trong nước thải”- TS Sly cảnh báo.