Quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký thỏa thuận với Pfizer về vacxin Covid-19
Malaysia đã đồng ý mua 12,8 triệu liều vacxin Covid-19 của Pfizer, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thông báo thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm Mỹ sau khi một số ý kiến bày tỏ e ngại về nhu cầu bảo quản siêu lạnh.

Trong khi dữ liệu thử nghiệm cuối cùng cho thấy, vacxin Pfizer có hiệu quả tới 95%, nhiều quốc gia châu Á không đặt cược vào vacxin này một phần do thời tiết nóng nhiệt đới, vị trí địa lý và thiếu tủ đông bảo quan ở nhiệt độ cực lạnh.
Vacxin Covid-19 của Pfizer, được hợp tác phát triển với đối tác BioNTech của Đức, phải được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ âm 70 độ C (-94F), mặc dù nó có thể được giữ trong tủ lạnh 5 ngày hoặc 15 ngày trong hộp vận chuyển nhiệt.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, ngày 27/11 cho biết, Malaysia sẽ ưu tiên "các nhóm có nguy cơ cao bao gồm người tuyến đầu, người cao tuổi và những người mắc các bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường". Pfizer sẽ cung cấp một triệu liều vacxin đầu tiên trong quý đầu tiên của năm 2021, với 1,7 triệu, 5,8 triệu và 4,3 triệu liều tiếp theo trong các quý tiếp theo. Thỏa thuận này dự kiến sẽ mang vacxin đến cho 6,4 triệu người Malaysia, tương đương 20% dân số, và 10% khác sẽ được bảo hiểm dưới sự tham gia của Malaysia vào cơ sở COVAX toàn cầu, do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ.
![]() |
Malaysia là quốc gia sẽ phân phối vacxin miễn phí cho người dân, tính đến ngày 27/11 đã có thêm 1.109 ca nhiễm Covid-19 mới. Nước này cũng đang có kế hoạch chạy thử nghiệm giai đoạn 3 của một loại vacxin thử nghiệm do Viện Khoa học y tế Trung Quốc phát triển. Thử nghiệm này sẽ có 3.000 người tham gia.
Thủ tướng Malaysia cho biết, vacxin của Pfizer vẫn cần sự chấp thuận của các cơ quan quản lý bao gồm Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế Malaysia trước khi có thể được phân phối. FDA có kế hoạch họp vào ngày 10/12 để thảo luận về việc có cho phép sử dụng vacxin Pfizer trong trường hợp khẩn cấp hay không.
Pfizer và BioNTech có các hợp đồng cung cấp vacxin với một số quốc gia bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia và Anh. Họ dự kiến sẽ sản xuất trên toàn cầu tới 50 triệu liều vacxin vào năm 2020 và lên đến 1,3 tỷ liều vào năm 2021.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có hơn 150 loại vacxin tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm trên toàn cầu để ngăn chặn đại dịch Covid-19, trong đó 48 loại được thử nghiệm trên người. Mới đây, AstraZeneca cho biết, vacxin do Đại học Oxford phát triển có thể đạt hiệu quả khoảng 90%, sau kết quả tích cực từ Pfizer, Moderna Inc và Sputnik V của Nga.