Tuesday, Jun 23, 11:06 AM

Áo dài truyền thống ở đâu trong thời đại 4.0?

Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, sự du nhập văn hóa cùng với nhiều trang phục đa dạng khác, song song với những mặt tích cực thì trang phục truyền thống dường như đang bị lãng quên. Và câu chuyện, nên chăng mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện tiếp tục gây tranh cãi.

Áo dài truyền thống ở đâu trong thời đại 4.0?
Áo dài truyền thống ở đâu trong thời đại 4.0?

Ý kiến về việc mặc áo dài một lần nữa gây tranh cãi khi đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất mặc áo ngũ thân nam trong các hội nghị, sự kiện. Bên cạnh ý kiến đồng tình thì có nhiều ý kiến phản biện cho rằng mặc áo dài vướng víu, phức tạp, không gọn gàng, không dễ di chuyển và thuận tiện như comple.

Tranh cãi về việc mặc áo dài

193o-d224i-truyen-thong-o-d226u-trong-thoi-dai-40_1.jpg
Ảnh: Ỷ Vân Hiên. 

Theo dòng chảy văn hóa Việt, áo dài đã hình thành lâu đời, có lịch sử hàng ngàn năm. Mỗi một thời kỳ áo dài đều có sự thay đổi phụ thuộc vào văn hóa tín ngưỡng, bối cảnh lịch sử, không gian kiến trúc. Áo dài được thay đổi để phù hợp với từng thời kỳ, nhu cầu người sử dụng. Tuy có sự thay đổi thế nhưng việc mặc áo dài vẫn nhiều lần gây tranh cãi.

Trước tranh cãi, NTK Tạ Linh Nhân cho rằng: “Theo sự phát triển của thời trang, những doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, các NTK, các nhà may phần lớn tập trung vào làm mới cho trang phục của phụ nữ, trong đó có áo dài.

Thế nên sự thay đổi, mới mẻ của áo dài nữ ngày càng hiện đại hơn, phù hợp và thời trang hơn, do vậy áo dài nữ được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống. Ngược lại, sự chú trọng dành cho áo dài nam gần như bỏ ngỏ.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, NTK, nhà may đã bắt đầu có xu hướng quan tâm dần đến áo dài nam bằng cách tân áo dài truyền thống để tạo sự thu hút hơn. Tuy nhiên từng đấy vẫn là chưa đủ vì chưa dẫn dắt được người mặc do sự cách tân hầu như chưa “đánh” đúng vào nhu cầu. Cầu kỳ hóa, loè loẹt, phong cách “vay mượn” là những gì chúng ta thấy nhiều nhất của áo dài nam ở thời điểm hiện tại. Sự cách tân là có nhưng chưa thoả mãn được người tiêu dùng.

Còn những mẫu áo dài truyền thống ngũ thân, khăn xếp lại tạo ra cái nhìn định kiến “phảng phất” về xã hội phong kiến cổ hủ. Vì lẽ đó mà áo dài nam chưa có được chỗ đứng với nam giới Việt Nam trong xã hội hiện nay".

Về việc mặc áo dài vẫn nhiều lần gây tranh cãi, ông Nguyễn Đức Lộc - CEO trang phục Ỷ Vân Hiên - chuyên về trang phục cổ của dân tộc đánh giá, việc gây tranh cãi là sự tất yếu.

“Mọi sự mâu thuẫn đều có nguồn gốc là sự phát triển, nghĩa là khi muốn có sự phát triển trang phục truyền thống, khôi phục quay trở lại thì tất yếu tạo nên sự mâu thuẫn. Đó chính là những giá trị nội tại của xã hội đang mâu thuẫn, đang cạnh tranh với nhau, giữa giá trị mới và giá trị cũ, cộng thêm những đòi hỏi yêu cầu tất yếu sự tranh cãi do những hệ lụy từ những luồng tư tưởng, tác nhân chủ quan, khách quan. Từ đó, tạo nên sự đứt gãy văn hóa khiến trang phục truyền thống bị mai một, bị đứt gãy. Tư duy không liền mạch thống nhất dẫn đến việc xuất hiện nhiều quan điểm nhìn nhận về trang phục truyền thống gây tranh cãi”, ông Lộc nói.

Cần thay đổi để phù hợp với xu hướng

193o-d224i-truyen-thong-o-d226u-trong-thoi-dai-40_2.jpg
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng, áo dài chứa đựng nhiều giá trị về mặt xã hội và cả đời sống tinh thần.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thông tin, trong khoảng những năm 1930, áo dài có sự du nhập từ văn hóa Pháp. Đó là sự giao thoa kiến trúc văn hóa Pháp, áo dài cũng được cách tân, cách điệu như những thiết kế của nhà may Cát Tường. Ngoài ra, áo dài cũng thay đổi theo xu hướng để tạo ra tính mới cho trang phục truyền thống trong bối cảnh văn hóa, chính trị, kiến trúc sao cho phù hợp với từng thời đại.

“Cho đến nay, áo dài đã có sự hội nhập rất lớn. Áo dài không chỉ để mặc ở lễ, tết mà còn được sử dụng trong lễ cưới, hội nghị… Áo dài dường như đã thay thế cho đầm dạ hội. Áo dài đã chuyển mình từ cách xử lý chất liệu đến ứng dụng trong đời sống để phù hợp với từng hoàn cảnh, mục đích sử dụng”, NTK nhấn mạnh.

Hoạt động trong làng thời trang lâu năm và đã từng giành nhiều giải thưởng cả trong nước lẫn quốc tế, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói sự du nhập, phát triển xã hội mang đến nhiều trang phục đa dạng. Tuy nhiên, thực tế trong đời sống, mỗi một mẫu mã trang phục đều mang giá trị riêng, có tính mới, tính độc đáo, giúp người mặc có nhiều lựa chọn. Áo dài cổ xưa hiện vẫn được tôn vinh, sử dụng trong phim ảnh... như là cách giữ gìn nét văn hóa trang phục truyền thống.

NTK hàng đầu về áo dài khẳng định, áo dài cũng là sản phẩm thời trang mà thời trang lại cần cập nhật tính mới, vì vậy áo dài ngày nay phải thay đổi để phù hợp với xu hướng.

Trong những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như “Lều chõng”, “Long Thành cầm giả ca”, “Áo lụa Hà Đông”, “Cô Ba Sài Gòn” ... đã tạo ra những cơn sốt trên thị trường phim ảnh, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm.

Ở lĩnh vực thiết kế, áo dài Việt đang ngày càng tạo dấu ấn mạnh mẽ trong các sự kiện thời trang, các sự kiện quảng bá, giao lưu quốc tế.

Theo các chuyên gia, biến áo dài thành một sản phẩm công nghiệp văn hoá hoàn toàn có tính khả thi. Có thể nói, chiếc áo dài đã đạt đến một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng khi nhắc tới Việt Nam.

Trước xu hướng tất yếu của bảo tồn và sự phát triển trang phục truyền thống, đặc biệt là áo dài trong xã hội hiện nay, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận định: Trang phục truyền thống trong đó có áo dài chứa đựng nhiều giá trị về mặt xã hội và cả đời sống tinh thần.

Hoàng Vân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/ao-dai-truyen-thong-o-dau-trong-thoi-dai-40-5720162.html Copylink