3,4 triệu người sẽ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh, người lao động đang ở trọ có đơn đề nghị theo mẫu của Quyết định 08 về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trong khu công n...
Thủ tục chi trả kéo dài 11 ngày
Trước nguy cơ thiếu hụt lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để chia sẻ, giúp đỡ người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất cùng với DN.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, theo quy định tại Quyết định 08, người lao động đang làm việc trong DN tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, thực hiện trước ngày 1/4/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
“Người lao động đang làm việc trong DN và người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với 2 mức 500.000 đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến có 3,4 triệu lao động được hỗ trợ” – ông Thanh cho biết.
Về thủ tục, việc triển khai chi trả tiền hỗ trợ, ông Thanh cho biết sẽ thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách.
Thời gian thực hiện các thủ tục chi trả sẽ kéo dài 11 ngày gồm: DN tổng hợp và niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày; cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách trong 2 ngày; thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày; doanh nghiệp chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ.
Giám sát chặt chẽ
Đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, chính sách này rất kịp thời để giúp người lao động ổn định, phục hồi thị trường lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng rất lưu ý về thủ tục xin xác nhận bởi nhiều chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương, nhóm công nhân thuê nhà trọ chỉ có 1 người đại diện thuê nên việc lấy chữ ký xác nhận sẽ có chỗ triển khai chậm, chỗ triển khai nhanh nên cơ quan quản lý như Bộ và Sở Lao động - Thương binh và xã hội cần tăng cường giám sát.
Bên cạnh đó ông Quảng cũng băn khoăn cho rằng, để giám sát chặt chẽ việc chi trả đến tay người lao động, khi UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ thì cần thông báo cho tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan để giám sát việc chi trả kịp thời.
Trước băn khoăn này Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, chính sách không chỉ hỗ trợ cho người lao động mà còn hỗ trợ cho DN "giữ chân" được người lao động, có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thay vì DN phải hỗ trợ cho người lao động khoản tiền này thì ngân sách Nhà nước đã trích tiền hỗ trợ.
Hơn nữa quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo cũng đã khảo sát DN và nhận được sự đồng thuận lớn của DN, do đó khi đi vào thực tế DN sẽ tích cực hoàn thành nhanh các thủ tục lập danh sách, chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
“Quá trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cũng sẽ có các cơ quan giám sát như tổ chức Công đoàn, Mặt trận tổ quốc, các cơ quan quản lý… sẽ tham gia đôn đốc thực hiện chính sách. Đặc biệt, trong lần thực hiện chính sách này còn có sự tham gia của cơ quan Công an trong việc cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin người lao động, tránh trùng lặp khi chi trả” - ông Thanh khẳng định.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), người lao động muốn nhận hỗ trợ phải cung cấp chứng minh thư, căn cước công dân.
Do đó, chính quyền cấp huyện, tỉnh có thể đối chiếu với kho Dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, tránh 1 người có thể gửi hồ sơ hỗ trợ nhiều nơi, nhiều lần. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai chính sách và sử dụng dữ liệu dân cư.
Khi nghiên cứu đề xuất các thủ tục triển khai chính sách cũng phải tính toán giữa việc đơn giản thủ tục nhất có thể và ngăn trục lợi chính sách. Do đó, ngoài các thủ tục người lao động tự khai và chịu trách nhiệm, còn có trách nhiệm của DN, BHXH, địa phương xác minh, kết hợp đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Ngoài ra, tiền hỗ trợ không trả 1 lần, chỉ trả theo tháng, tránh trường hợp nhận hỗ trợ xong nhảy việc đi doanh nghiệp khác lại xin hỗ trợ tiếp (Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh).