Wednesday, Apr 22, 09:04 AM

'Chốt' đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7

Đúng với mong đợi của hàng chục triệu người lao động, ngày 12/4 Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đã bỏ phiếu thống nhất trình Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thêm 6%.

'Chốt' đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7
'Chốt' đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7

Tại phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thẳng thắn cho rằng, sau 2 năm không tăng lương, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động (NLĐ) đang rất khó khăn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần phải tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp sản xuất. Chính vì vậy, tại cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, phía đại diện cho người lao động đặt ra mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ 7-8% từ ngày 1/7/2022.

Lý giải cho mức đề xuất tăng trên, ông Hiểu cho biết, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của NLĐ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng ta phải nhìn hình ảnh người lao xếp hàng từ sáng sớm để chờ rút bảo hiểm xã hội một lần là điều rất đáng để suy nghĩ” - ông Hiểu nói.

“Mức tăng lương tối thiểu 6% phần nào đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy mức tăng chưa cao nhưng nó dung hòa được mong muốn của người lao động và người sử dụng lao động. Hội đồng tiền lương sẽ sớm trình Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu vùng để Chính phủ quyết định, thực hiện sớm nhất có thể” - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Lê Văn Thanh.

Nói về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì ngày 1/1/2023, ông Hiểu cho rằng lương tối thiểu vùng dựa trên sự thương lượng của lao động và doanh nghiệp, cùng sự khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Tiếp đó, trong quý I/2022, tình hình kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ. Tăng lương thời điểm này vừa là để hỗ trợ người lao động, nhưng đồng thời cũng để hỗ trợ người sử dụng lao động. Tăng lương tạo động lực tăng năng suất lao động.

Với mức đề xuất tăng 6% của Hội đồng Tiền lương quốc gia nếu được Chính phủ chấp thuận, ngày 1/7/2022 mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng, Vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng, Vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng, Vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng.

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia có 17 thành viên. Theo đó có 15 phiếu nhất trí với mốc tăng từ 1/7/2022 với mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu 6,0%. Có 2 phiếu không đồng ý với điều chỉnh về mốc thời gian 1/7/2022, mong muốn đề nghị điều chỉnh từ 1/1/2023.

Dù đã bỏ phiếu đồng thuận với mức đề xuất tăng 6% tuy nhiên trao đổi với báo chí sau phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, việc tăng lương sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

“Cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, chúng tôi chưa thực sự hài lòng với mức điều chỉnh này, doanh nghiệp mong muốn điều chỉnh ở mức phù hợp từ ngày 1/1/2023, còn tăng từ 1/7/2022 thì vất vả quá, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số, kể cả chỉ số tăng trưởng” - ông Phòng nói. 

l40256-b40256o
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/chot-de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-6-tu-17-5683964.html Copylink