Chuyên nghiệp hóa việc thi hoa hậu: Không dừng lại ở nhan sắc
Thực tế, những người đẹp tham gia các cuộc thi hoa hậu không thể “đơn thương, độc mã” trên hành trình giành vinh quang. Ngoài sắc đẹp, họ cần trang bị cho mình một nền tảng tri thức cần thiết, đặc biệt là một ê kíp “chinh chiến” chuyên nghiệp.
Cần người thầy dìu dắt
Bên cạnh đội ngũ ê-kíp hùng hậu lo trang phục, layout make up, các người đẹp khi “chinh chiến” trên đấu trường nhan sắc cũng cần trang bị thêm nhiều kỹ năng. Họ không thể “đơn phương, độc mã” trên hành trình chinh phục vinh quang mà cần thêm một người thầy dìu dắt.
Bằng những kinh nghiệm của một siêu mẫu hàng đầu Việt Nam, Minh Tú được gọi là người thầy dìu dắt nhiều thế hệ người đẹp chạm đến đỉnh vinh quang. Trong số đó phải kế đến Hoa hậu Hòa bình Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Bella Vũ, Đỗ Thị Hà…
Nổi danh là người thầy luôn tận tâm, tận lực với học trò, siêu mẫu Minh Tú được các người đẹp tin tưởng. Những học trò của siêu mẫu Minh Tú đều đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi nhan sắc lớn trong và ngoài nước.
Được biết đến là một trong những chân dài thành công nhất của showbiz Việt khi vừa đảm nhiệm vai trò siêu mẫu, Hoa hậu lẫn huấn luyện viên của nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước. Minh Tú từng gặt hái nhiều danh hiệu như: “Giải Bạc Siêu mẫu Việt Nam 2013”, “Á quân Asia's Next Top Model 2017”, “Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á 2018”...
Mới đây nhất, Minh Tú khiến nhiều người lên tiếng trầm trồ thán phục khi có học trò đăng quang Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022. Cụ thể, tại “Miss Fitness Vietnam”, Minh Tú có đến 2 thí sinh lọt Top 3 chung cuộc là Hoa hậu Đoàn Thu Thủy và Á hậu 2 Chu Thị Ánh. Cả 2 đều là những nhân tố mới, chưa được nhiều khán giả biết đến.
Trước đó, Minh Tú cũng từng là thầy dạy catwalk cho Nguyễn Thúc Thùy Tiên giúp cô đăng quang ngôi vị cao nhất trong đêm thi cuối cùng. Những bước chân vừa chắc vừa đúng nhịp của Thùy Tiên khi sải bước trên sàn diễn quốc tế một lần nữa khẳng định khả năng của Minh Tú trong việc đào tạo, hướng dẫn thí sinh.
Giữa thời điểm nhiều cuộc thi về nhan sắc, việc có thêm một người thầy dẫn dắt được xem là hướng đi tốt cho những người đẹp sở hữu vẻ đẹp hình thể, nhan sắc vượt trội. Tất nhiên nỗ lực của bản thân vẫn là điều cốt yếu quyết định việc thắng thua.
Cần đề cao vẻ đẹp tri thức
Ồn ào từ các cuộc thi hoa hậu thời gian gần đây cho thấy các cuộc thi nhan sắc ngày nay vẫn chỉ chú trọng đến vẻ đẹp hình thể. Bởi, trước khi chạm tay đến vương miện, các thí sinh thường chỉ phải trải qua thử thách cuối cùng - vòng thi ứng xử. Câu trả lời sẽ quyết định cô gái nào là người giành được ngôi vị cao nhất.
Việc kiểm tra trí tuệ bằng những câu hỏi không có đáp án đúng phần nào cho thấy nhận thức của các người đẹp về những vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội. Chỉ duy nhất ở vòng thi cuối cùng, ngoài ra trong các cuộc thi hoa hậu ngày này thường cho các thí sinh phô diễn vẻ đẹp hình thể một cách sáo rỗng và chỉ dựa trên những tiêu chí về số đo 3 vòng để đánh giá. Đây được xem là một bước đi sai lầm của Ban tổ chức (BTC), bởi nhìn từ thực tiễn vẻ đẹp về tri thức sẽ mãi trường tồn còn nhan sắc có thể “phai tàn” theo thời gian.
Sự việc mới đây là minh chứng cho việc cần đề cao vẻ đẹp tri thức trong những cuộc thi nhan sắc. Cụ thể, trong đêm chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022, phần thi ứng xử của top 5 Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 tạo ra một cuộc tranh cãi lớn.
Sau cuộc thi, một số ý kiến trái chiều xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó nhiều khán giả bày tỏ thất vọng về phần thi ứng xử top 5. Trong phần thi này, các người đẹp được bốc thăm giám khảo đặt câu hỏi cho mình và có 60 giây để hoàn thành phần thi.
Người hâm mộ nhận định câu hỏi khá dễ nhưng các người đẹp lại trả lời lan man, lạc đề. Hai thí sinh bị chê ứng xử kém nhất là Nguyễn Hồng Diễm và Nguyễn Thảo Liên.
Không chỉ trong “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” mới có trường hợp thí sinh trả lời ứng xử kém mà bất kỳ một cuộc thi nhan sắc nào vừa kết thúc, câu trả lời ứng xử vẫn luôn là đề tài được phần đông khán giả “săm soi”, chỉ trích.
Hàng năm, có hàng chục cuộc thi hoa hậu diễn ra, thế nhưng có lẽ sẽ thật tệ nếu người đẹp có thể đại diện cho nhan sắc Việt lại ứng xử kém, thiếu hiểu biết hệt như “bình hoa di động” trên thảm đỏ. Có lẽ đây vừa là hồi chuông cảnh tỉnh vừa là lời cảnh báo cho những thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc và vừa là lời nhắc nhở đến BTC các cuộc thi hoa hậu. Liệu có thể thay vì tìm kiếm những thí sinh sở hữu ngoại hình chuẩn chỉnh để hướng đến vẻ đẹp tri thức?