Cuộc sống của những "rich kid" trong nhóm 1% giới siêu giàu Mỹ: Sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng luôn sống trong áp lực, mỗi khoảnh khắc là một cuộc giao dịch
Những đứa trẻ "ngậm thìa vàng" không có một cuộc sống dễ dàng, hạnh phúc như nhiều người tưởng tượng. Chúng luôn đối mặt với áp lực phải thành công ngay từ khi chưa biết đi, dẫn đến rối loạn tâm lý về lâu dài.
Blythe Grossberg, một gia sư dạy kèm ngữ pháp và chuyên viên dạy học, đã vô cùng hài lòng khi đọc bài tập về “Romeo và Juliet” của Lily, một học sinh 14 tuổi mà cô đang trực tiếp giảng dạy. Trong bài viết, Lily đã lập luận rằng một cô bé 13 tuổi như Juliet không cần phải kết hôn với Romeo hay với một chàng công tử đẹp trai và giàu có ở Paris, theo sự sắp đặt của bố mẹ cô.
Nhưng mẹ của Lily, cô Lisa, một nhân viên ngân hàng với sở thích của giới thượng lưu, người luôn dành phần lớn thời gian trên du thuyền ở ngoài khơi Nantucket (bang Massachusetts, Mỹ) không hề quan tâm đến luận điểm trọng tâm của bài luận.
Thay vào đó, mẹ của Lily tức giận nói với Grossberg rằng: “Con bé thì hiểu được cái gì cơ chứ? Trong khi ở độ tuổi của nó thậm chí còn không hiểu tình yêu là gì. Nếu để Lily viết rằng Juliet không nên kết hôn với Romeo, nội dung đó sẽ phản ánh độ tuổi non nớt của con bé. Và rồi, giáo viên của Lily chắc chắn sẽ xé vụn bài luận đó ra thành từng mảnh.”
Sau đó, người phụ nữ này đã viết lại bài luận của con gái một cách tồi tệ, trong lúc hoàn thành các giao dịch kinh doanh trị giá hàng triệu đô. Sự việc trên chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho sự vô lý của các bậc phụ huynh mà Grossberg gặp phải, khi cô làm giáo viên cho những đứa trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu ở thành phố New York.
Grossberg có kinh nghiệm gần 20 năm trong việc gia sư cho các học sinh nhà giàu ở New York.
Mục tiêu duy nhất là vào được đại học top đầu
Trong cuốn sách mới phát hành, Grossberg chỉ ra rằng: đối với giới tinh hoa chiếm 1% ở New York, quá trình giáo dục trước đại học của con cái họ chỉ có duy nhất một mục đích, đó là bằng mọi giá phải vào được trường đại học thuộc nhóm Ivy League.
Grossberg, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Rutgers (bang New Jersey), đã làm gia sư trong gần 20 năm. Mức lương của cô không được tính là cao, chỉ dao động trong khoảng từ 125 đến 175 đô la một giờ, trong khi một số công ty gia sư tính phí từ 300 đến 800 đô la một giờ.
“Quy trình tuyển sinh đại học giống như kỳ Super Bowl kéo dài, đầy rủi ro đối với các bậc phụ huynh. Chỉ có thắng hoặc thua, còn những thứ khác không quan trọng. Họ có vô số chiến lược và những tính toán bí mật. Và kết quả cho thấy rằng việc một đứa trẻ vào đại học lại trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về toàn bộ quá trình giáo dục của chúng.”, Grossberg cho biết.
Áp lực đè nặng lên vai những đứa trẻ từ khi chưa biết đi
“Khi còn làm việc tại một trường tư thục ở Manhattan, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều học sinh mẫu giáo trong trang phục chỉnh tề, đi cùng với các vị phụ huynh đang khoác lên mình những bộ quần áo đẹp mắt, để phỏng vấn cho các trường điểm. Tôi có thể cảm nhận được rất nhiều áp lực mà những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non kia đang phải đối mặt”, cô chia sẻ.
“Tôi đã từng chứng kiến nhiều bậc phụ huynh la mắng con cái của họ ngay bên ngoài trường học, không chắc đó là trước hay sau buổi phỏng vấn. Các bậc cha mẹ trong những bộ đồ “quyền lực”, với những chiếc váy cùng đôi giày cao gót hàng hiệu, trông rất nghiêm nghị và cương quyết”.
Thu nhập trung bình hàng năm của những gia đình thượng lưu này rơi vào khoảng 750.000 đô la một năm. Khi nói đến Sophie (đã được đổi tên), nữ gia sư nhấn mạnh rằng chính nỗ lực phối hợp của cô bé từ năm lớp 9 đã giúp đưa cô bé vào trường đại học thuộc nhóm Ivy League.
“Đối với các bậc cha mẹ này, mọi đứa trẻ đều là Tom Brady. Mọi đứa trẻ đều được định sẵn cho sự vĩ đại, chỉ cần chúng có thể tìm được đội phù hợp. Nếu một đứa trẻ không thể đến Yale, đó hoàn toàn là lỗi do đội.”, Grossberg viết.
Sophie đã sớm được chẩn đoán mắc chứng khó học ngôn ngữ. Để không bị mất mặt, phụ huynh đã giấu điều đó khi cô bé đi học trường mẫu giáo. Họ cũng lo sợ rằng thành tích học tập kém khiến con gái bị buộc thôi học tại trường. Vì vậy, họ đã bí mật chi 20.000 đô la cho một chuyên viên tư vấn trường học để giải quyết vấn đề. Sophie đã được kèm cặp khi mới 5 tuổi, để tham gia bài kiểm tra trí thông minh mà trường sử dụng trong quy trình tuyển sinh.
Trong suốt những năm học tiếp theo, họ đã chi hàng trăm nghìn đô la cho dịch vụ gia sư. Sophie đã vượt qua hầu hết các môn học nhờ sự giúp đỡ của các gia sư. Ngoài ra, dù Sophie gặp bất cứ khó khăn gì trong quá trình học tập, bố mẹ cô bé sẽ đổ lỗi cho giáo viên trên trường nhằm giữ danh tiếng và vị trí của con gái.
“Chúng tôi cố gắng giúp đỡ Sophie để cô bé cảm thấy thoải mái mà vẫn thành công”, một chuyên viên tư vấn cho biết. Để làm được điều này, nhóm chuyên viên đã đăng ký cho Sophie tham gia các khóa học mùa hè tại Columbia, bao gồm các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), cũng như các lớp lịch sử và viết kịch để “giúp cô bé trở nên toàn diện về mọi mặt.”
Phu huynh chi tiền để giải quyết mọi thứ
Tuy nhiên, đối với một số đứa trẻ sinh ra đã “ngậm thìa vàng” này, điểm số và điểm kiểm tra không thực sự quan trọng, miễn là bố mẹ chúng có thể viết séc.
Một học sinh tên Trevor mắc chứng khó đọc và rối loạn tăng động/ giảm chú ý (ADHD). Cậu bị điểm kém trong tất cả các bài kiểm tra tiêu chuẩn mặc dù đã có sự trợ giúp từ gia sư. Nhưng điều đó không ngăn cản Trevor có một “tấm vé” an toàn trong Ivy League, đơn giản vì bố cậu bé đã “chuyển hướng đến văn phòng phát triển”.
Người bố viết séc, trong khi văn phòng phát triển của trường đại học liên tục nhìn họ và nói “càng lớn, càng nhiều số 0”. Sau tất cả, Trevor đã trở thành chuyên viên phân tích cho một ngân hàng lớn ở Phố Wall.
Ngoài những chiến lược giáo dục khác xa với trải nghiệm thường thấy, Grossberg cũng được chứng kiến lối sinh hoạt đặc biệt của các học sinh với gia đình chúng, bao gồm cả những bậc phụ huynh giàu có chỉ tương tác với con cái họ từ xa.
Grossberg viết trong cuốn sách của cô rằng: “Lily có những người bạn thậm chí không biết bố mẹ chúng ở đâu vào ban đêm. Thậm chí còn có những ông bố, bà mẹ gọi điện cho lũ trẻ lúc 10 giờ tối để nói rằng họ đang ở một thành phố khác và sẽ không về nhà vào đêm đó.”
Tất cả những gì phụ huynh quan tâm chỉ là điểm số
Nhiều ông bố và bà mẹ cũng chẳng có thời gian để ý đến việc học của con cái. Có một lần, khi Grossberg muốn trao đổi về việc học tập của một học sinh có người mẹ là ngôi sao lớn hiếm khi ở nhà, cô lập tức bị chen ngang bởi các nhiếp ảnh gia. Cuối cùng, người mẹ đó đã phớt lờ cô để tham gia một buổi chụp hình chủ đề về Giáng sinh cho một tạp chí quốc gia.
Tuy nhiên, luôn có duy nhất một trường hợp mà Grossberg sẽ được nghe phụ huynh “phản hồi” mọi lúc, đó là khi con của họ nhận được bất kỳ điểm nào dưới A.
Grossberg cho biết: “Một bà mẹ có con trai nhận được điểm B+ trong một bài tập toán, đã gọi điện cho nhà trường với giọng điệu đầy giận dữ. Người phụ nữ đã lớn tiếng với hiệu trưởng rằng “Chúng tôi đã hy sinh suốt nhiều năm trời để gửi con trai của chúng tôi vào trường của mấy người không phải để nhận lại điểm B+. Nó phải vào được Ivy League bằng mọi giá!”
Grossberg mô tả những đứa trẻ thuộc nhóm 1% giống như “những con gấu bông hiệu Prada, mềm mại, dễ thương nhưng cũng rất sành điệu”. Tuy nhiên, cô cũng lưu ý rằng những rắc rối chúng gặp phải “đắt đỏ” hơn hầu hết những đứa trẻ khác.
Mặc dù thế hệ con cháu trong nhóm 1% có những đặc quyền đáng kinh ngạc, nhưng có một nhược điểm rõ ràng là chúng phải thành công từ khi còn quá nhỏ.
“Những đứa trẻ được giáo dục từ những ngôi trường áp lực cao có nguy cơ bị rối loạn tâm lý và lạm dụng chất kích thích. Điều này có nghĩa rằng trẻ em thuộc nhóm 1% phải đối mặt với rủi ro ngay cả trong những bối cảnh tưởng chừng nhẹ nhàng và có tính hỗ trợ cao”.
Grossberg đưa ra câu trả lời cho vấn đề này rất đơn giản, nhưng khó có thể thực hiện được: Đó là các bậc phụ huynh giới thượng lưu nên để con cái phát triển cuộc sống một cách tự nhiên, không cần phải đi theo con đường cứng nhắc để tới Ivy League.
“Tôi thực sự không hiểu tại sao con cái của những người giàu có không được phép tự do đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của chúng. Về lý thuyết, nhiều đứa trẻ có đủ tiền và quyền tự do để chọn bất kỳ lối đi nào chúng muốn. Nhưng thay vào đó, chúng bị bó buộc trong một danh sách hạn chế đã được ấn định sẵn. Trong cuộc sống của những đứa trẻ này, mọi khoảnh khắc đều mang tính giao dịch”, nữ gia sư chia sẻ.
Theo NYPost