Đi săn loài cá leo cây
Tháng 3, khi những cơn gió nồm đông mang theo vị tanh nồng của biển, thổi hắt vào đất liền cũng là khi mùa săn cá thòi lòi của người dân tại xã biển Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bắt đầu. Mùa săn cá không kéo dài nhưng đây cũng là một nguồn th...
Dầm bùn săn thòi lòi
7 giờ sáng, khi mặt trời đã bắt đầu chiếu những tia nắng sớm lên vùng bãi bồi ven biển, mọc ken dày các loại cây sú, vẹt hàng chục người dân sinh sống tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc bắt đầu chuẩn bị cho một ngày săn cá thòi lòi – một thứ “lộc trời” độc nhất vô nhị tại vùng bãi ngang này. Trên tay họ là những dụng cụ thô sơ như: cần câu, bẫy kẹp ván lướt, giỏ tre và can đựng nước uống cho cả nửa ngày dầm bùn.
Chỉ nhìn qua những con cá thòi lòi to hơn đầu đũa, vẩy có vài đốm nâu di chuyển thoăn thoắt trên bùn, có con còn búng mình lên nằm cheo leo trên các cụm rễ sú, vẹt, cặp mắt thao láo gắn ngược lên trên phía đỉnh đầu cũng có thể đoán biết đây là loài thuộc họ cá bống trắng. Tuy nhiên loài cá này khác biệt hẳn với họ hàng của chúng khi vừa có mang vừa có phổi. Tức là vừa có thể sống được trên cạn lẫn dưới nước.
Mỗi con trưởng thành dài 10-15 cm, kích thước tối đa khi trưởng thành chỉ to bằng ngón tay út. Cá thòi lòi sống chủ yếu dọc bãi lầy ở cửa sông, bãi biển nhiều bùn, có mực nước ngập sâu không quá 2 mét. Vùng triều các xã ven biển huyện Hậu Lộc như Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc là nơi phân bố loài này nhiều nhất. Thòi lòi thường đào hang dưới lớp bùn sâu 20-30 cm để cư trú, mỗi hang có vài con. Khi thủy triều rút, chúng sẽ chui ra khỏi hang kiếm ăn.
Ông Vũ Văn Độ - sống tại xã Đa Lộc, người có nhiều năm “săn” cá thòi lòi cho biết: Săn cá phải tùy theo mỗi con nước (từng tháng). Thông thường thì bà con ở Đa Lộc có thể xuống biển bắt cá trong khoảng 15 ngày. Thời gian mà loại này xuất hiện nhiều ở bãi bồi Đa Lộc khoảng từ tháng 2-8 dương lịch hằng năm. Đây là thời điểm cá đạt thể trạng tốt nhất trong năm, thịt cá béo ngậy.
Cá thòi lòi thuộc họ bống trắng, được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực cửa sông và vùng ven biển nhiệt đới như: Ấn Độ, Australia hay khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam... Tại Thanh Hoá, cá xuất hiện nhiều ở vùng ven biển các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn.
Tuy nhiên, để bắt được chúng đòi hỏi người đi săn phải thật khéo léo và giữ im lặng tuyệt đối. Vì chỉ cần nghe tiếng động nhỏ, cảm nhận có nguy hiểm, cá thòi lòi sẽ lao đi rất nhanh, chui tuột xuống hang ẩn nấp. Theo ông Độ, “quy trình” bắt cá sẽ bắt đầu từ việc phát hiện ra nơi ẩn của cá, sau đó đưa tay đào lớp bùn nhão. Nghe tiếng động, cá vội chui tọt ra khỏi hang thì bị bắt cho vào xô, giỏ. Chính vì những đặc điểm trên mà nghề săn cá thòi lòi ở đây hầu hết là do phụ nữ đảm nhiệm. Ngoài các cách bắt thông thường như: câu, đào hang, nhiều thợ săn (chủ yếu là đàn ông) dùng loại bẫy kẹp để bắt cá.
Là một trong số ít ỏi người dùng bẫy kẹp để săn cá, vào đầu năm, ông Độ thường làm những chiếc kẹp vót từ thân tre uốn cong. Chiếc bẫy cao khoảng 40 cm, phía dưới dùng dây cước thắt nút thòng lọng. Mỗi ngày, sau bữa sáng, ông mang theo giàn bẫy rồi lội khắp bãi bùn tìm hang cá để đặt. Khi cá ngoi lên tìm kiếm thức ăn, bơi qua sẽ vướng vào sợi dây, sập bẫy. Người thợ sau đó chỉ việc quay lại gỡ lấy “lộc”.
Mùa săn cá năm nay, ông Độ làm hơn 100 cái bẫy kẹp. Mỗi ngày ông thường đi săn 5-7 tiếng tùy theo con nước (thủy triều lên xuống), thu về xấp xỉ 2 kg cá, bữa trúng mánh có thể được hơn 3 kg. Với giá bán 180.000-200.000 đồng một kg, ông Độ cũng kiếm được gần nửa triệu đồng cho một ngày công.
Đặc sản mặn mòi vị biển
Quãng đường mà người dân đi khai thác cá thòi lòi thường dài hơn 3km. Dưới lớp bùn dày hơn nửa mét luôn tiềm ẩn những nguy hiểm như bãi đá ngầm, mảnh vỡ chai lọ, chum vại... Đặc biệt là vào những ngày thời tiết nắng gắt, người bắt cá có thể bị say nắng do mất nước và dầm bùn…
“Coi vậy thôi nhưng nghề này cũng vất vả lắm, chúng tôi phải di chuyển nhiều giờ giữa biển bùn lầy mênh mông nên mất rất nhiều sức. Trời càng nắng thì con cá thòi lòi lại mới bò lên mặt bùn tắm nắng, tìm thức ăn. Phải chịu khó, chịu khổ mới bắt được nhiều”- ông Độ chia sẻ.
Cá thòi lòi sống chủ yếu dọc bãi lầy ở cửa sông, bãi biển nhiều bùn, có mực nước ngập sâu không quá 2 mét. Vùng triều các xã ven biển huyện Hậu Lộc như Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc là nơi phân bố loài này nhiều nhất
Bà Nguyễn Thị Hạnh – một thương lái chuyên mua gom cá thòi lòi cho hay: Thịt cá thòi lòi rất thơm vì thế mọi người thường ví “cá còi béo hơn thịt lợn”. Cá có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: Kho, nấu, rán… tùy vào sở thích từng người. Đây là món ăn đặc sản vùng biển Đa Lộc hiếm có nơi nào có được.
“Chính vì đặc điểm này mà nhiều người thích ăn nên cố công tìm mua. Để có cá cung ứng cho nhu cầu của các “thượng đế”, tôi thường phải đặt trước các “thợ săn”. Đồng thời, phải ngồi chầu chực ở bờ biển. Ai vào là chặn mua ngay nếu không thì sẽ mất phần. Hiện tại, tôi đang mua cá thòi lòi còn sống từ người đi bắt giá dao động 180.000-200.000 đồng/kg, có hôm khách đặt mua đông quá không có cá mà bán! Mặc dù chưa thể giúp người dân ở vùng bãi ngang này giàu lên nhưng con cá thòi lòi đã giúp họ có thêm nguồn thu đáng kể vào những lúc nông nhàn giêng hai”- bà Hạnh nói.
Nghề đào bắt cá thòi lòi từng tồn tại suốt hàng trăm năm qua ở vùng biển Hậu Lộc. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu bắt về để cải thiện bữa ăn cho chính gia đình mình thì nay họ khai thác phần lớn tập trung để giao thương vì cá mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhận thức rõ sự độc đáo của món ăn khiến nhiều thực khách tâm đắc này, trong khi đó vùng triều ngày một thu hẹp, gây khó khăn cho người dân đánh bắt cá tự do, vậy nên nên chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Biên phòng yêu cầu các hộ nuôi ngao không được cắm cọc cách chân đê kè 500m, giúp cho tàu bè ra vào thuận lợi và quan trọng hơn là giữ lại vùng triều để người dân có nơi đào bắt cá thòi lòi vào dịp đầu năm.