Gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ: Công nhân mong từng ngày
Việc hỗ trợ từ Nhà nước cho NLĐ rất cần thiết nhất là thuê nhà trọ, vốn là vấn đề nan giải và bức xúc của NLĐ lâu nay.
Sôi động sàn giao dịch việc làm
Theo Ban tổ chức, tham gia phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang) có 90 đơn vị, doanh nghiệp, với 19.345 chỉ tiêu tuyển dụng.
Riêng tại hệ thống sàn GDVL Hà Nội, có sự tham gia của 34 doanh nghiệp với 1.030 chỉ tiêu. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề như: Công nhân may, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên y tế, nhân viên kinh doanh, kỹ sư, kế toán, công nhân sản xuất, kỹ thuật viên, lao động phổ thông… Mức lương cho người lao động dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/tháng.
Có mặt tại buổi tuyển lao động trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, bà Vũ Thị Thanh - Trưởng phòng nhân sự, Công ty Thuận Phát cho biết: Sau Tết, công ty có nhu cầu tuyển nhiều vị trí, tại phiên giao dịch việc làm này, công ty phỏng vấn 70% số lượng nhân sự qua hình thức trực tuyến. Sau khi xem xét hồ sơ, năng lực, công ty sẽ báo cho lao động về kết quả phỏng vấn.
Còn ông Dương Văn Quân - Phó Giám đốc nhân sự Công ty Y tế Việt - Nhật, cho biết, đơn vị đang xây dựng chuỗi phòng khám, nên cần tuyển kỹ thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ với các mức lương khá cao, từ 10-40 triệu đồng/tháng tùy từng lĩnh vực… Ngoài việc tham gia trên sàn việc làm, đơn vị cũng kết hợp liên hệ với các trường cao đẳng, đại học để tìm nguồn nhân lực.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông qua việc triển khai Sàn giao dịch việc làm trực tuyến lần này cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các DN là rất lớn với đa dạng lĩnh vực, trình độ. Thậm chí rất nhiều chỉ tiêu không yêu cầu về kinh nghiệm, điều này cho thấy, DN đã dần phục hồi sản xuất.
“Dự báo trong quý I-2022, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong khối sản xuất, dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin. Do tình hình dịch bệnh nên hình thức giao dịch trực tuyến sẽ tiếp tục được đơn vị triển khai trong thời gian tới”, ông Thành cho biết.
Sớm triển khai chính sách hỗ trợ
Mặc dù thị trường lao động đã có sự hồi phục mạnh mẽ, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn không ít các thách thức, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất có thể diễn ra bất kỳ lúc nào bởi diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp.
Chính vì vậy, với mục tiêu khôi phục thị trường lao động, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động (NLĐ), đó là hỗ trợ tiền thuê nhà trọ (tổng nguồn vốn 6.600 tỷ đồng) và chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, để tạo việc làm ổn định cho NLĐ, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho DN. Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.
Tiến sỹ Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, đời sống của NLĐ vẫn còn rất khó khăn do đó, việc hỗ trợ từ Nhà nước cho NLĐ rất cần thiết nhất là thuê nhà trọ, vốn là vấn đề nan giải và bức xúc của NLĐ lâu nay.
Cũng theo TS Thọ, đây là lúc NLĐ đang khó khăn nhất nên rất cần được hỗ trợ. Vấn đề là các cơ quan xây dựng chính sách cần rút kinh nghiệm từ những gói hỗ trợ trước để đơn giản thủ tục, triển khai nhanh nhất. Cần phải hỗ trợ nhanh, chứ đến lúc mọi thứ ổn định trở lại, họ không cần nữa mới triển khai được thì việc hỗ trợ không còn nhiều ý nghĩa” - ông Thọ nêu quan điểm.
Ở góc độ DN, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cũng cho rằng, việc ban hành chính sách hỗ trợ cho NLĐ rất kịp thời tuy nhiên để chính sách trở thành “trợ lực” cho NLĐ và DN cần phải sớm triển khai. “Chúng ta cần thúc đẩy nhanh, kịp thời và sớm để NLĐ được thụ hưởng chính sách. Không chỉ sau đại dịch, thông thường nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng sau Tết Âm lịch phục vụ cho năm mới. Nếu chính sách không kịp thời sẽ qua mất mùa tuyển dụng, làm lỡ hết kế hoạch sản xuất của DN” - ông Việt kiến nghị.
Liên quan tiến độ triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ LĐTB&XH đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành. Về cơ bản gói hỗ trợ sẽ sớm triển khai, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Dự báo trong quý I/2022, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong khối sản xuất, dịch vụ thương mại, nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin. Do tình hình dịch bệnh nên hình thức giao dịch trực tuyến sẽ tiếp tục được đơn vị triển khai trong thời gian tới.