Monday, Aug 22, 09:08 PM

Làm gì để đề phòng ngộ độc hải sản trong những chuyến du lịch biển dịp hè?

Nhiều gia đình đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch biển vào dịp hè này. Và đã đi biển, thật khó cưỡng lại những món ăn được chế biến từ hải sản tươi sống.

Làm gì để đề phòng ngộ độc hải sản trong những chuyến du lịch biển dịp hè?
Làm gì để đề phòng ngộ độc hải sản trong những chuyến du lịch biển dịp hè?
Khi ăn hải sản cần lưu ý những dấu hiệu phản ứng của cơ thể. (Ảnh minh hoạ).

Khi ăn hải sản cần lưu ý những dấu hiệu phản ứng của cơ thể. (Ảnh minh hoạ).

Theo báo Đại đoàn kết, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc do ăn hải sản. Những bệnh nhân này là những người đã đi du lịch biển có ăn đồ hải sản và cả những người không đi du lịch biển nhưng mua hải sản về tự chế biến hoặc ăn hải sản ở các nhà hàng.

Biểu hiện thông thường của người bệnh khi bị dị ứng hải sản là cơ thể có biểu hiện khó chịu, nổi mề đay, ngứa ngáy toàn thân, sưng mắt, sổ mũi, hắt xì liên tục... đó là những trường hợp nhẹ. Những trường hợp bị phản ứng nặng hơn sẽ làm cho người bệnh bị viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen gây khó thở.

Một số trường hợp lại bị đi ngoài, nôn mửa, mệt mỏi, bơ phờ, thậm chí đi ngoài ra máu... Tình trạng dị ứng, ngộ độc hải sản còn có thể nguy hiểm hơn nếu xảy ra ở trẻ em. Do vậy với trẻ nhỏ các bà mẹ nên cẩn thận tập cho con ăn từng chút một để thử phản ứng của cơ thể con trước. Nếu thấy trẻ bình thường thì mới tiếp tục cho ăn tăng lượng dần để cơ thể con có thời gian thích nghi.

Khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, các bác sĩ khuyến cáo, cần xử lý các bước sơ cấp cứu nhanh, cố gắng hạn chế tử vong.

Nếu nạn nhân co giật, hôn mê cần đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.

Trong trường hợp nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái cần hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.

Trường hợp bệnh nhân nôn, tiêu chảy mất nước, nếu tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng. Sau đó, nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Để đề phòng không bị ngộ độc khi ăn hải sản, theo báo Sức khoẻ và Đời sống, cần lưu ý là độc tố trong hải sản ít khi được loại bỏ bằng cách nấu ăn hoặc làm đông lạnh; không nên ăn các loại hải sản sống ở vùng nước bị nghi ô nhiễm; Không ăn đầu, trứng, gan cá sống ở vùng biển nước ấm vì chất độc ciguatera thường tập trung ở những bộ phận này.

Histamin không bị tiêu diệt khi nấu. Cách tốt nhất để duy trì hàm lượng histamin trong cá thấp nhất là để nó trong tủ lạnh (dưới 5°C); khi cá bị ươn, hoặc để ngoài trời nóng quá lâu sau khi đánh bắt sẽ làm tăng hàm lượng histamin trong cá rất có hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, nên ăn các đồ hải sản có nguồn gốc, nấu chín. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

BM (Tổng hợp)
Theo Báo Dân Sinh https://baodansinh.vn/lam-gi-de-de-phong-ngo-doc-hai-san-trong-nhung-chuyen-du-lich-bien-dip-he-20220801112629.htm Copylink