Tuesday, Jan 23, 09:01 AM

Những người đưa câu chuyện văn hoá lên tà áo dài Việt Nam

Áo dài, nón lá, áo tứ thân,… đều là những nét đặc trưng của của vẻ đẹp truyền thống Việt Nam. Đặc biệt là tà áo dài, vượt lên một trang phục truyền thống, áo dài từ lâu đã trở thành một thương hiệu, một đại sứ của Việt Nam về nét đẹp văn hoá.

Những người đưa câu chuyện văn hoá lên tà áo dài Việt Nam
Những người đưa câu chuyện văn hoá lên tà áo dài Việt Nam

Để di sản không “ngủ quên”

Đi sâu vào tiềm thức của mỗi người, tà áo dài Việt Nam từ lâu đã là nét đẹp truyền thống tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt và làm đậm đà nét thanh lịch và tinh tế của người đàn ông.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, áo dài là một bộ phận của di sản dân tộc. Dù chưa chính thức được ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng bấy lâu nay, hình ảnh tà áo dài không chỉ là niềm tự hào riêng có của người Việt mà còn là biểu tượng văn hoá Việt Nam được thế giới quan tâm, yêu thích.

Tà áo dài thường xuất hiện trong những dịp lễ quan trọng hay dấu ấn nơi giảng đường. Gần đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về, những tà áo dài đủ màu sắc, phong cách, kiểu dáng khác nhau đã nhanh chóng xuất hiện và được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, hiện nay, nhiều mẫu áo dài được thiết kế không chỉ với những màu sắc cơ bản, đặc trưng mà còn mang đậm tính nghệ thuật, văn hoá, di sản lâu đời.

Chẳng hạn như tại La Sen Vũ, nhà thiết kế ở đây luôn yêu thích việc tìm hiểu nền văn hóa truyền thống cũng như các dòng tranh tập tục dân gian của nước nhà như: tranh Đông hồ, Làng trống, tập tục cây nêu ngày Tết, hình ảnh gói bánh chưng, đình làng, cảnh sinh hoạt làng quê cho đến hình tượng hoa lá trong tranh điêu khắc dân gian hay tứ linh (Long-ly-quy-phượng), họa tiết hoa sen, hoa cúc đậm chất Á đông… Để từ đó cho ra mắt những sản phẩm mà trên mỗi tà áo đều chứa đựng hình ảnh đặc trưng của một nét đẹp dân gian.

Chia sẻ với phóng viên, chị Vũ Lan Anh, nhà thiết kế (NTK) áo dài La Sen Vũ cho biết, đam mê lớn nhất trong cuộc đời mình là được chính tay tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mà ở đó hồn dân tộc vẫn giữ được vẹn nguyên.

nhung-nguoi-dua-c226u-chuyen-van-ho225-l234n-t224-225o-d224i-viet-nam_1.jpeg

Hoa hậu Lương Thuỳ Linh cùng NTK Vũ Lan Anh trong BST “Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”.

Không chỉ riêng La Sen Vũ, nhiều nhà thiết kế, thương hiệu áo dài khác cũng đã có những sản phẩm tạo dấu ấn riêng khi đưa những nét đẹp Việt Nam hiện mình trên tà áo.

Vừa qua, trong sự kiện "Tinh hoa Áo dài Việt" tổ chức tại Mỹ, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đã khơi dậy vẻ đẹp lấy cảm hứng sáng tạo từ kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long với sự trở lại của phong cách nghệ thuật mosaic trên các chất liệu lấy từ văn hóa truyền thống pha trộn Âu - Á.

Kết hợp với vẻ đẹp "Kỳ quan thế giới mới" Vịnh Hạ Long - cùng hình ảnh của hoa sen - Quốc hoa của Việt Nam, NTK Hoài Nam đã mang đến những thiết kế áo dài hòa quyện tinh tế giữa truyền thống với hiện đại, giữa tinh hoa văn hóa phương Đông pha trộn với phương Tây theo cách rất riêng của mình.

Cảm hứng thiết kế của BST Áo dài "Suối nguồn" bắt nguồn từ ngọn lửa đam mê sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết trong tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Mỹ Ayn Rand với những sắc màu mạnh mẽ, nổi bật như màu vàng vương giả, màu tím quyền năng, màu xanh rực rỡ, màu cam nồng ấm, đỏ hồng quý phái…

Những người đưa câu chuyện văn hoá lên tà áo dài Việt Nam - Ảnh 2

Hơn cả một loại hoa văn, những họa tiết hoa sen cách điệu được thiết kế độc quyền cùng logo 2 chữ D cách điệu hình mặt hổ lồng vào nhau được xem như một lớp trang điểm đặc biệt không thể tách rời của các mẫu áo dài, góp phần tạo nên sự động đáo khi đan xen giữa văn hoá và truyền thồng của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Trong những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như Lều chõng, Long Thành cầm giả ca, Áo lụa Hà Đông, Cô Ba Sài Gòn ... đã tạo ra những dấu ấn đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm. 

Mang hình ảnh biểu tượng năm vào áo dài Tết

Kể từ khi Tết Nguyên đán cận kề, các nhà thiết kế áo dài luôn cố gắng “thay đổi diện mạo” để phù hợp với những BST mang đậm không khí mùa Xuân. Đặc biệt, nhiều NTK đã tận dùng hình ảnh chủ đạo là 12 con giáp - một nét đẹp độc đáo trong văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam để xuất hiện trên tà áo dài.

Trước đó, trong năm 2022, NTK Thạch Linh đã từng lấy cảm hứng từ các linh vật để sáng tạo BST áo dài với các chi tiết rất gần gũi nhưng vẫn giữ được hồn dân tộc. Những con giáp quen thuộc, đã ăn sâu vào tâm sức của người dân Việt hiện diện trên trang phục rực rỡ và tươi tắn của NTK Thạch Linh, tôn thêm vẻ yêu kiều, cá tính.

Biểu tượng áo dài năm Nhâm Dần 2022.
Biểu tượng áo dài năm Nhâm Dần 2022.

Không nằm ngoài xu thế, NTK Vũ Lan Anh cũng cho biết, trong năm 2023, vẫn là những cách tạo hoa văn màu sắc đã sử dụng trước đó như hình ảnh graffiti (nghệ thuật thị giác), mosaic (nghệ thuật màu sắc) trừu tượng nhưng sẽ được làm với một thủ pháp khác, tạo điểm nhấn khác biệt, La Sen Vũ cũng sẽ sử dụng hình ảnh loài mèo vào trong BST mới.

Hình ảnh loài mèo cũng có rất nhiều tài liệu khai thác mang tính truyền thống như hình ảnh mèo trong tranh Đông hồ “Đám cưới chuột”, hay mèo trong những câu ca dao “ Con mèo mà trèo cây cau”... Đó là những yếu tố để khai thác nguồn cảm hứng khi thiết kế, và nó sẽ tạo nên được hiệu ứng rất độc đáo khác lạ.

nhung-nguoi-dua-c226u-chuyen-van-ho225-l234n-t224-225o-d224i-viet-nam_2.jpg
Hình ảnh áo dài trong BST Tết Nguyên đán 2023 của NTK Vũ Lan Anh.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt. Có thể kể đến áo giao lĩnh (xuất hiện vào khoảng năm 1774); áo dài tứ thân (thế kỷ 17); áo dài ngũ thân (thời Vua Gia Long); áo dài Lemur cải biến từ áo ngũ thân do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939; áo dài Raglan, xuất hiện vào năm 1960. Và kể từ năm 1970 tới nay, áo dài được nhiều lần cách tân, ngày một đẹp hơn.

Trong dòng chảy thời gian, tà áo dài truyền thống được người Việt bảo tồn, phát huy qua nhiều thời kỳ để trao truyền lại cho thế hệ nối tiếp và trong tiềm thức của mỗi người, áo dài chính là niềm tự hào không chỉ với người Việt Nam mà còn với khắp cả bạn bè quốc tế.

Linh Trang
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nhung-nguoi-dua-cau-chuyen-van-hoa-len-ta-ao-dai-viet-nam-5707208.html Copylink