Nợ tín dụng - vòng xoáy đáng sợ khiến nhiều người chìm nghỉm: Làm cách nào để sống sót thoát khỏi nó?
Nợ tín dụng - vòng xoáy đáng sợ khiến nhiều người chìm nghỉm: Làm cách nào để sống sót thoát khỏi nó?
Ngày nay, thẻ tín dụng và các dịch vụ tín dụng cá nhân ngày càng trở nên phổ biến và góp phần mang đến rất nhiều tiện ích cho cuộc sống của tất cả, đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, chính hành vi làm thẻ vô tội vạ, tiêu dùng và "cà thẻ" quá độ đồng thời cũng để lại những "vết đen" trên hồ sơ tín dụng của họ.
Trước khi đi vào sâu hơn chuyện nợ tín dụng, hãy nói về cái gọi là vận may, trách nhiệm cá nhân và vai trò của cả hai thứ này trong việc kiểm soát tài chính của bạn. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng, có đôi khi tài chính của bạn ổn định được bước đầu là nhờ may mắn nhưng sau đó thì hoàn toàn là trách nhiệm cá nhân. Vận may có thể đưa bạn bước qua một cánh cửa nào đó song có tiếp tục tồn tại được ở bên trong cánh cửa đó hay không, hay là bị đẩy ra ngoài sẽ là trách nhiệm bạn cần gánh vác. Việc xem xét từng hành động, thói quen cũng như quan điểm bạn thường có có thể giúp giải thích phần nào cho khoản nợ tín dụng của bạn.
Vì đâu mà bạn rơi vào hố đen nợ tín dụng?
Vì job khởi nghiệp của bạn không suôn sẻ? Vì bạn đơn giản là đã vung tay quá trán? Nếu vậy thì tại sao? Điều gì đã thúc đẩy hành vi này? Có phải vì yếu tố khách quan nào đó không? Hay chủ yếu vẫn là yếu tố chủ quan nhưng được nguy trạng thành yếu tố khách quan?
Việc đầu tiên bạn cần làm chính là tìm hiểu xem nguyên nhân nào đưa đẩy bạn đến với tình cảnh hiện tại. Nếu bạn không nắm chắc được điều này thì nó vô hình trung sẽ phá bỏ mọi nỗ lực bạn đang cố gắng tạo thành.
Biết bạn đang ở trong trường hợp nào là điều rất quan trọng. Bởi một khi đã có xuất phát điểm, ta sẽ có các giải pháp để lật ngược thế cờ sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Bạn sẽ cần nhìn mọi thứ từ nhiều hướng khác nhau, phải trung thực với chính mình, biết mình có thể làm gì và không thể làm gì. Đừng tự lừa mình dối người, trong cuộc chiến với nợ tín dụng, bạn không có quyền đặt cược đâu.
Việc hiểu rõ tình cảnh mình đang mắc phải sẽ giúp bạn có kế hoạch trả nợ một cách cụ thể và rõ ràng hơn.
Phương trình chúng ta đang nói đến là phương trình thu - chi. Bất kể là tận dụng vận may hay trách nhiệm cá nhân, bạn phải kiếm được nhiều hơn, và chi tiêu ít đi hoặc làm được cả hai việc đồng thời.
Hãy đặt cho mình những chuỗi câu hỏi liên hoàn: Bạn đã mắc nợ như thế nào? Liệu thông qua nỗ lực của chính mình, bạn có thể thoát ra khỏi nó và tránh xa nó bằng cách chi tiêu ít hơn và/ hoặc kiếm được nhiều hơn không? Bạn có cần một người bạn cùng phòng để giảm chi phí thuê nhà không? Bạn có thể đi xe bus không vì xế hộp nằm ngoài phạm vi chi trả của chiếc thẻ bạn đang sở hữu? Bạn có cần tìm kiếm một công việc với mức lương cao hơn không?
Và cuối cùng chính là tạo khó khăn cho mình, đẩy mình vào thế buộc phải đối đầu bằng một câu hỏi trị giá triệu đô: "Làm cách nào mới có thể chi tiêu ít hơn và tạo ra nhiều tài sản thực tế hơn?".
Trước tiên, hãy tìm ra số tiền bạn có thể trả cho khoản nợ thẻ tín dụng của mình mỗi tháng.
Tiếp theo, hãy tìm đến những ứng dụng miễn phí giúp bạn tính toán các khoản vay nợ đơn giản, từ đó tạo ra quy trình quản lý nợ cũng như một kế hoạch thanh toán nợ được tối ưu hóa nhằm giảm thiểu lãi suất và thoát nợ một cách nhanh nhất.
Theo đó thì khi thông tin nợ của bạn được nhập vào ứng dụng, bạn có thể chọn phân tích so sánh hiệu quả các phương pháp giảm nợ và xác định phương pháp nào phù hợp nhất với mình về tài chính, về tình hình hiện tại. Bạn cũng có thể xem xét điều chỉnh tổng số tiền thanh toán hàng tháng và biểu đồ sẽ được cập nhật tương ứng để chứng minh số dư còn lại của bạn, số tiền lãi chính xác và cũng là ngày dự kiến để có được tự do khỏi tất cả các khoản nợ.
Nói chung, điều quan trọng là bạn phải lập kế hoạch trước. Nếu nó thực tế, thì chỉ cần bạn kiên định và giữ vững kế hoạch đó, bạn sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Về cơ bản thì kế hoạch trả nợ của mọi người đều có nét tương đồng: mỗi tháng trả nhiều hơn số tiền tối thiểu bạn có thể nợ. Nói cách khác, hãy tấn công khoản nợ của bạn bằng trả đều đặn và tăng dần con số. Đơn giản, nhưng không dễ dàng.
Nếu bạn đã lập kế hoạch trả nợ nhưng nó không thực tế hoặc bạn muốn thoát khỏi khoản nợ tín dụng của mình nhanh hơn, bạn vẫn còn một số lựa chọn khác.
Bạn có thể tự tái cấp vốn cho khoản nợ của mình. Tái cấp vốn cho khoản nợ của bạn cũng giống như việc hợp nhất nợ vậy. Bạn nhận được một khoản vay cho tổng số tiền bạn nợ thẻ tín dụng của mình.
Sau đó, bạn sử dụng khoản vay này để thanh toán thẻ tín dụng của mình. Cái lợi ở đây là bạn có thể chủ động tìm một khoản vay với các điều khoản tốt hơn. Thông thường, các điều khoản tốt hơn có nghĩa là lãi suất thấp hơn hoặc khoản thanh toán cố định hàng tháng thấp hơn, như vậy, bạn cũng có cơ hội thoát nợ nhanh hơn so với các cách khác.
Cách 1: Tái cấp vốn với người quen
Còn nhớ về khái niệm "vận may" chúng ta đã nhắc ở đầu bài không? Nếu bạn sở hữu điều này, hãy khai thác nó. Nếu bố mẹ bạn hay một ông chú một bà cô giàu có nào đó của bạn sẵn sàng tái cấp vốn cho khoản nợ thẻ tín dụng của bạn và không có ý kiến gì thêm, chúc mừng, bạn đã có một "giao dịch" không thể tốt hơn.
Lựa chọn "chủ nợ" là gia đình hay bạn bè thường mang đến chi phí thấp nhất trong tất cả các lựa chọn vay mượn: không tính phí khởi đầu, bạn có thể yêu cầu lãi suất thấp hơn hoặc tính linh hoạt trong việc thanh toán, bạn không cần nộp đơn và đối phương cũng chẳng yêu cầu kiểm tra điểm tín dụng của bạn. Nhưng đương nhiên, ở đời vốn không tồn tại thứ gì hoàn hảo 100%, bên cạnh các điểm lợi thì điểm hại của phương pháp này chính là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của bạn và "chủ nợ".
Lời khuyên: Đề nghị người cho bạn vay yêu cầu lãi suất kèm theo. Tự bạn sẽ là người cung cấp cho họ các điều khoản vay nợ. Tiếp đó, hãy thiết lập thanh toán tự động để tránh việc lợi dụng tín nhiệm. Trong trường hợp bạn cần thanh toán linh hoạt, phải chủ động thông báo cho đối phương trước thời hạn.
Cách 2: Tái cấp vốn bằng khoản vay cá nhân
Mối quan hệ của bạn với gia đình rồi tình hình tài chính của người thân quen có đôi khi sẽ khiến việc vay nợ từ họ trở thành bất khả thi. Đừng lo, bạn vẫn còn phương án dự phòng, đó là tìm đến các khoản vay cá nhân.
- Ngân hàng. Hãy tìm hiểu hoặc hỏi trực tiếp ngân hàng bạn đang sử dụng xem bạn có thể nhận được một khoản vay cá nhân hay không.
- Các tổ chức cho vay khác. Cách này thì khá rủi ro và đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu kĩ càng hơn nữa để tránh việc rơi vào bẫy của các tổ chức tín dụng đen, khiến bản thân nợ càng thêm nợ.
Các khoản vay cá nhân đương nhiên vẫn tính phí, được gọi là phí khởi đầu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được nhờ chúng mà bạn có thể sẽ phải bỏ ra ít tiền hơn bằng cách đơn giản hóa khoản nợ của mình một cách có hệ thống, thay vì hợp nhất nợ gây áp lực chồng chất.
Cách 3: Chơi trò chuyển đổi số dư
Khoản vay cá nhân cũng sẽ có thời gian đáo hạn nên hiểu theo một cách khác, nếu bạn tiếp tục kéo dài nợ vô tội vạ, bạn đang tự đào hố chôn mình. Đó lý do vì sao phương án này ra đời. Ý nghĩa trên mặt chữ, bạn có thể chuyển số dư thẻ tín dụng này sang một thẻ tín dụng khác
Một khoản vay cá nhân chỉ có ý nghĩa nếu bạn nhận được một mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất bạn đang phải chịu cho khoản nợ hiện có của mình hoặc nếu nó giúp bạn trả hết nợ nhanh hơn. Nếu không, việc vay một khoản mới để trả một khoản cũ là hết sức "tối ý".
Ghi nhớ tín dụng trong đầu
Bạn phải giữ hồ sơ tín dụng hoàn hảo để đủ điều kiện nhận những khoản lãi suất tốt nhất cho các khoản vay cá nhân. Nếu điểm của bạn là 660 trở lên đồng nghĩa với việc bạn được gán cho mác "rủi ro thấp", nhờ thế mà bạn đủ điều kiện vay với lãi suất thấp và hàng loạt ưu đãi kèm theo. Trong khi đó, nếu lịch sử tín dụng của bạn bị giới hạn hoặc điểm tín dụng của bạn ở thang điểm quá thấp, bạn chỉ có lựa chọn duy nhất là kìm hãm kỳ vọng của mình và cải thiện điểm dần dần.
Hãy kiên định
Nghe hơi sáo rỗng nhưng sự thực thì mọi việc chúng ta làm đều cần thời gian và quá trình. Sẽ có những áp lực, những tuyệt vọng nhất định đổ lên đầu bạn khi vào một ngày đẹp trời, công việc của bạn bất ngờ gặp khó khăn, bạn bị mất một khoản tiền và rồi tin nhắn đòi thanh toán tín dụng vẫn réo liên hồi.
Thế nhưng, hãy cứ nghĩ về những khoảnh khắc sung sướng, vui vẻ bạn từng có trước đó và tin rằng sau này bạn cũng sẽ có. Chấp nhận cà thẻ, chấp nhận trả nợ - đây là một cuộc chơi hết sức công bằng. Dám chịu trách nhiệm, vận may sẽ đến với bạn, không bằng cách này thì bằng cách khác.