Tiếp sức cho người lao động
Nhằm tiếp sức cho người lao động (NLĐ) cũng như tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, Bộ LĐTB&XH vừa có đề xuất: NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp được hỗ trợ tiền mặt hàng tháng 500.000 đồng/người; còn người lao động quay trở lại thị trường...
Hơn 6.000 tỷ đồng hỗ trợ NLĐ thuê nhà
Ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình do Chính phủ ban hành.
Theo đó, để bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, Chính phủ đề ra một số giải pháp: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong KCN-KCX, khu vực kinh tế trọng điểm. Mức hỗ trợ đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện là trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo Nghị quyết 11, Chính phủ sẽ sử dụng khoảng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với NLĐ theo quy định tại Nghị quyết 11 ngay trong tháng 2-2022.
Hiện nay Bộ LĐTB&XH đã hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đang xin ý kiến của các Bộ, ngành.
Theo dự thảo, NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp được đề xuất hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện hỗ trợ là đang làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm khi đủ các yêu cầu như: ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động được giao kết và thực hiện trước ngày 1/1/2022.
Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Với người lao động quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ hàng tháng 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
Sớm triển khai
Đánh giá về chính sách hỗ trợ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nhà ở luôn là vấn đề bức thiết với NLĐ, nhất là dưới tác động của dịch Covid-19 nguồn thu, việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng do đó, chi phí thuê nhà trọ luôn là gánh nặng với NLĐ.
Vì vậy, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà là rất cần thiết và rất quý đối với NLĐ. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ này cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành.
“Đối với công nhân đang làm việc tại KCX-KCN, khu vực kinh tế trọng điểm…, cần phải lập danh sách đối tượng thụ hưởng và có kế hoạch tổ chức chi trả, hỗ trợ. Việc hỗ trợ cần thực hiện nhanh chóng, đơn giản các loại hồ sơ, giấy tờ để tạo thuận lợi cho NLĐ" - ông Quảng góp ý.
Đồng quan điểm ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cũng cho rằng, NLĐ rất quan tâm đến gói hỗ trợ này, đặc biệt là các điều kiện, thủ tục để nhận hỗ trợ tiền mặt ra sao. Theo ông Tú, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cần phải được thực hiện nhanh chóng, đơn giản thủ tục để tạo thuận tiện cho người lao động, song việc hướng dẫn tổ chức thực hiện chi trả cũng cần tính tới phương án tránh trục lợi chính sách.
Về việc triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, hiện Bộ đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ thông qua, và sẽ triển khai trong tháng 2, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022. Song song với đó, sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động.
Đồng thời, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội thì vấn đề an sinh rất quan trọng, mà nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động. Để thị trường lao động phục hồi không có cách gì khác cần phải tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Chính vì vậy, việc triển khai gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ với 2 nhóm đối tượng khác nhau có ý nghĩa vừa san sẻ khó khăn với NLĐ vừa giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. (Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung)