Từ bỏ mức lương cả triệu USD ở Phố Wall, "mỹ nhân" 1987 về quê chọn nghề "thu gom phế thải" và cuộc gặp gỡ định mệnh đã thay đổi tất cả
Rất nhiều người không thể hiểu nổi, tại sao một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng tại Mỹ mà lại trở thành mỹ nhân chọn nghề thu gom phế thải khi về nước.
Quế Bác Văn vẫn nhớ như y cuộc trò chuyện khi mới chỉ 10 tuổi với cha mình trên ban công.
Cha đã dạy cô rằng: “Sau khi lớn lên, trước hết phải có năng lực lo cho bản thân, thứ hai là phải có khả năng lo cho gia đình, sau đó, nếu có khả năng thì hãy lo đến người khác, lo đến xã hội. Hãy để sự tồn tại của mình giúp người khác tồn tại càng thêm tốt đẹp hơn.”
Những lời này khiến Quế Bác Văn ấn tượng đến nỗi nhiều năm sau, khi đã sở hữu lý lịch chói lọi như "tốt nghiệp một trường danh tiếng của Mỹ" và "người nổi tiếng phố Wall", cô đã đưa một quyết định khó tin. Đó chính là lựa chọn trở về Trung Quốc và dấn thân vào ngành “thu gom rác thải”.
Tốt nghiệp tại Đại học Carnegie Mellon, Quế Bác Văn từng là giám đốc dự án tại Blackrock trên Phố Wall. Từng có lúc thu nhập lên tới cả triệu USD nhưng cô gái sinh năm 1987 vẫn không hề do dự khi từ bỏ mọi thứ ở hiện tại, về nước làm lại từ đầu.
Chỉ vài năm sau đó, Quế Bác Văn đã dùng chính những thành tựu của mình để khẳng định với tất cả mọi người rằng: Sự lựa chọn của tôi vô cùng đúng đắn. Cô đã đóng góp sâu sắc cho xã hội xung quanh khi trở thành một trong những thế hệ tiên phong đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Quế Bác Văn, mỹ nhân chọn nghề thu gom phế thải, tại Forbes Under 30 Summit China. Ảnh: Forbes Trung Quốc
Năm 2017, cô đã được vinh danh là một trong số những người lọt TOP 30 nhân vật xuất sắc dưới 30 tuổi của Forbes Trung Quốc (30U30).
Quế Bác Văn đã làm điều đó như thế nào?
Ngay từ ban đầu, khi chỉ mới hơn 20 tuổi, cô đã nhìn thấy tiềm năng phát triển không hề nhỏ của thị trường “phế thải”.
Theo Báo cáo Nghiên cứu Công nghiệp Trung Quốc, tổng lượng tài nguyên tái tạo hàng đầu của Trung Quốc được thu hồi trong năm 2014 đã vượt quá 245 triệu tấn, với tổng giá trị hơn 650 tỷ USD. Trong đó, giấy phế liệu, nhựa phế thải, đồ điện, điện tử phế thải, đồ gỗ phế thải, phế liệu dệt may… chiếm tỷ trọng khá cao. Riêng tổng lượng giấy phế liệu tái chế là 80 triệu tấn, với tổng giá trị khoảng 112 tỷ nhân dân tệ.
Một số doanh nghiệp thử “bắt tay” tận dụng nguồn tài nguyên này. Một số nhãn hàng đưa ra chính sách thu về các sản phẩm cũ mà khách hàng không còn muốn sử dụng. Một số khác thì thu mua phế phẩm để “tái sinh” thành các mặt hàng sinh hoạt, đồ gia dụng khác.
Cô xây dựng Công ty TNHH Công nghệ Bengege Bắc Kinh (gọi tắt là "Bengege") và đặt mục tiêu là kết hợp Internet vào lĩnh vực môi trường để góp phần đem tới một hệ sinh thái không còn rác thải.
Ngay từ khâu đầu vào, Quế Bác Văn đã thể hiện phong cách khác biệt của mình. Thay vì khai thác từ Customer (khách hàng cá nhân), cô lựa chọn đối tượng Business (doanh nghiệp, công ty lớn).
Quế Bác Văn nhận định: “Đi theo hướng tiếp cận Customer tuy có lợi hơn về chi phí nhưng thường có tần suất thấp và chất lượng kém. Trong khi đó, lợi thế của hướng tiếp cận Business rõ ràng hơn hẳn với khối lượng lớn, chất lượng cao và dễ dàng tái chế.”
Các Business mà Quế Bác Văn nhắm tới chính là một số siêu thị lớn như Wumart, Auchan và Jingkelong; các nhà máy phần cứng như Xiaomi và Foxconn; các tòa nhà văn phòng, các khách sạn và khu chung cư tầm trung trở lên.
Quế Bác Văn và các nhân viên trong thời kỳ đầu. Ảnh: Zhihu
Ở khâu đầu ra, Quế Bác Văn đã kết nối với hàng loạt nhà máy giấy tái chế trong khu vực. Doanh nghiệp đóng vai trò liên kết trung gian, thu lợi nhuận từ quá trình xử lý ban đầu.
Với suy nghĩ khác biệt và tiềm năng to lớn, công ty của Bác Văn thậm chí đã kêu gọi được một vòng Pre-A trị giá 20 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 70 tỷ đồng) do Zhen Fund và Foxconn đầu tư, chỉ sau 4 tháng thành lập, vào năm 2016.
Cách quê hương nơi Quế Bác Văn sinh ra hàng nghìn dặm, có một thiếu niên tên Đường Quân đến từ Tứ Xuyên. Khi Bác Văn khôn lớn trong sự dạy dỗ của cha thì Đường Quân lần đầu tiên đi nhặt sắt vụn cùng mẹ.
Cậu bé vốn sống ở quê cùng ông bà, bố mẹ đều đi nơi khác làm việc. Mãi tới khi hơn 10 tuổi, Đường Quân mới được đón đến sống cùng bố mẹ mình. Ngoài công việc chính, gia đình Đường Quân đều tranh thủ thời gian đến công trường nhặt sắt vụn để bán lấy tiền trang trải. Sau này, dần thấy công việc kiếm được, có đồng ra đồng vào, bố mẹ cậu đã bỏ nghề và tập trung vào tái chế phế liệu.
Trải nghiệm này đã cho Đường Quân hiểu biết sâu sắc về ngành công nghiệp tái chế rác và gieo mầm tinh thần kinh doanh vào con người cậu.
Hai mươi năm sau, khi mỹ nhân du học trở về nước, con trai của gia đình buôn phế liệu cũng đã trưởng thành, cuộc sống của cả hai đã có sự giao thoa. Cùng có mặt trong TOP 30U30 của Forbes Trung Quốc, Quế Bác Văn và Đường Quân đã gặp nhau lần đầu tiên.
Đường Quân cũng là một trong những người có mặt tại Forbes Under 30 Summit China. Ảnh: Forbes Trung Quốc
Vào thời điểm đó, Quế Bác Văn đang có những bước đi đầu tiên vào ngành công nghiệp tái chế môi trường và thành lập Bengege được hơn một năm.
Đường Quân đã có gần mười năm kinh nghiệm kinh doanh, từng là chủ tịch của Nhóm phái sinh, có đủ vốn và nguồn lực cần thiết để bắt đầu thành lập Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Xiaohuanggou (còn được gọi là "Tiểu Hoàng Cẩu").
Tiểu Hoàng Cẩu là nền tảng phân loại và tái chế rác thông minh đầy đủ hạng mục đầu tiên của Trung Quốc. Công ty này triển khai các máy phân loại và tái chế rác thông minh ở các thành phố lớn.
Khi người dân phân loại, xử lý rác thải đúng cách, nhét vào các thùng Tiểu Hoàng Cẩu được xếp đặt trong thành phố, họ có thể nhận được một khoản tiền ngay tại đó.
Tiểu Hoàng Cẩu cũng hợp tác với big data, công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo để hiện thực hóa một mô hình đầy mới mẻ là “Internet of Things + Smart Recycling”. Mô hình này có tính năng phân loại và tái chế giá phế thải sinh hoạt, vận chuyển thống nhất và xử lý tập trung cuối cùng.
Vì sự phát triển nhanh chóng, Tiểu Hoàng Cẩu được coi là một “ngôi sao sáng” trong ngành phân loại và tái chế rác. Trong một vòng Pre-A năm 2018, công ty này đã có được khoản đầu tư lên tới 1,05 tỷ NDT (tương đương khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng) - lập kỷ lục mới trong ngành. Định giá tổng thể của Tiểu Hoàng Cẩu vượt quá 15 tỷ NDT trong năm 2018.
Trong lĩnh vực của mình, Tiểu Hoàng Cẩu đã đạt được một thành tựu rất lớn. Tuy nhiên, khi phát triển ngày càng nhanh, việc tìm kiếm các đối tác bổ sung để cải thiện bố cục chuỗi sinh thái cũng là một bài toán cấp thiết.
Quầy thu gom rác thải Tiểu Hoàng Cầu thu hút rất nhiều người trẻ. Ảnh: Sohu
Ở thời điểm đó, lời giải mà Đường Quân nghĩ đến chính là Quế Bác Văn, người cũng đang tham gia vào ngành công nghiệp tái chế rác.
Đường Quân đã đưa ra đề xuất hợp nhất hai bên trong lần gặp đầu tiên, nhưng Quế Bác Văn không chấp thuận ngay từ đầu. Cô cũng có những dự tính và kế hoạch của riêng mình.
Sau một thời gian đàm phán, cả hai mới chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hứa sẽ ưu tiên cho nhau trong khả năng để cùng tạo ra một hệ sinh thái tái chế hoàn chỉnh hơn.
Mặc dù Quế Bác Văn và Đường Quân cùng có những đánh giá nhất quán về ngành và các mục tiêu chiến lược, nhưng sự hợp tác kinh doanh giữa Bengege và Tiểu Hoàng Cẩu vẫn gặp không ít gập ghềnh.
Phải mất thêm một thời gian nữa, cả hai mới dần dần thích nghi và tin tưởng lẫn nhau. Quế Bác Văn có con đường tài nguyên, Đường Quân có hệ thống Internet thông minh hỗ trợ, cả hai cùng bắt tay để phát triển nhanh chóng.
Vào tháng 3 năm 2019, Tiểu Hoàng Cẩu rơi vào khủng hoảng phá sản. Nguyên nhân được cho là do các vấn đề hoạt động vốn của Đường Quân. Sở hữu tiềm lực tài chính lớn khiến Đường Quân mở rộng phạm vi hoạt động vô cùng "mạnh tay". Tuy nhiên, do lợi nhuận không cân bằng với chi phí, công ty dần rơi vào khủng hoảng.
Nguy cơ này cũng khiến mọi người đặt ra câu hỏi, liệu mô hình “Internet + phân loại rác” có rơi vào vết xe đổ của mô hình xe đạp công trước kia hay không.
Sau gần 1 năm âm thầm chỉnh đốn, đề ra hàng loạt phương án cải tổ thì tới tháng 1 năm 2020, Tiểu Hoàng Cẩu mới được phía chính quyền thông qua dự thảo kế hoạch tái cơ cấu công ty. Thời điểm này, Quế Bác Văn đã đứng ra gánh trọng trách mà Đường Quân để lại.
Chia sẻ với truyền thông vào thời điểm ấy, nữ Chủ tịch sinh năm 1987 cho rằng: "Thời khắc khó khăn nhất đã qua. Đây chính là một bài học hiếm có trong đời.”
Quế Bác Văn trở thành người "cầm lái" quan trọng tại Tiểu Hoàng Cẩu. Ảnh: Sohu
"Khi đó, mỗi ngày đều có hàng trăm công việc phải giải quyết để bảo đảm kinh phí, cắt giảm nhân sự, gia tăng hiệu quả, duy trì quan hệ hợp tác... Công ty chúng tôi đã phải mất hơn hai tháng mới quay lại đúng hướng của mình. Bây giờ, khi đã có thời gian để bình tĩnh và suy nghĩ về điều đó, kinh nghiệm đối mặt với một khủng hoảng lớn như vậy đúng là hiếm có", Quế Bác Văn nói.
Từ công ty có quy mô hơn 4000 người, Tiểu Hoàng Cẩu đã thu gọn chỉ còn khoảng 300 người. Những người chịu trách nhiệm thu gom rác thải giờ không còn là công nhân chính thức mà chỉ còn là quan hệ hợp tác thời vụ.
Theo cô chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, thu nhập của Tiểu Hoàng Cẩu có thể chia làm các khoản như sau: Lợi nhuận từ việc bán đồ tái chế; Doanh thu từ cung cấp dịch vụ chính phủ và các hoạt động kinh doanh giá trị gia tăng như quảng cáo, bán hàng và trò chơi.
Công ty sẽ lấy việc tích lũy người dùng và số liệu tổng hợp làm năng lực cạnh tranh cốt lõi, giúp Tiểu Hoàng Cẩu tái cơ cấu và phục hồi thành công.
"Giá trị của Tiểu Hoàng Cẩu không chỉ nằm ở trang thiết bị, mà quan trọng hơn, đó là giá trị phái sinh mang lại khi tiếp cận được số lượng lớn người dùng", Quế Bác Văn khẳng định.
Bà Đinh, hiện đang sống ở Bắc Kinh, vốn là người không có thói quen thu gom phế phẩm, cũng không quan tâm đến số tiền thưởng từ các dịch vụ này. Tuy nhiên, các con nhỏ của bà lại rất thích thú với chúng. Từ khi Tiểu Hoàng Cẩu xuất hiện trong khu chung cư nơi bà Đinh sinh sống, các con bà luôn dành việc thu dọn đồ chuyển phát nhanh. Chúng sẽ xử lý các thùng carton bọc gói hàng hóa để đi nhận tiền.
“Số tiền chỉ ít thôi nhưng trong mắt một đứa trẻ, việc phân loại và giao hàng giống như một trò chơi vậy. Mấy đứa quanh nhà tụ tập lại so sánh rồi cạnh tranh nhau. Tôi cũng rất vui vì cháu có thể hình thành thói quen phân loại rác từ khi còn nhỏ", bà Đinh nói.
Đây chính là giá trị, là tương lai của Tiểu Hoàng Cẩu nói riêng và sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung.
*Tổng hợp Zhihu, Sohu, NetEase, Baike...