Từ chuyện thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH vì ôm nguyện vọng trường top: Đam mê là tốt nhưng cần chừa cho mình đường lui
Từ chuyện thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH vì ôm nguyện vọng trường top: Đam mê là tốt nhưng cần chừa cho mình đường lui
Từ chiều tối ngày 15/9, các trường đại học trên cả nước lần lượt công bố mức điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi Tốt nghiệp THPT. So với năm ngoái, mức điểm năm này tăng mạnh và tăng ở tất cả các ngành, kể cả những ngành thấp nhất. Một số ngành năm ngoái chỉ lấy 18 điểm, nhưng năm nay lấy tới 25, 26 điểm.
Tại các trường đại học top đầu như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐHQG Hà Nội,... mức điểm các ngành dao động từ 27 - 30 điểm. Theo đó, ngành Hàn Quốc học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội lấy mức điểm chuẩn tới 30 điểm với khối C00. Có nghĩa sĩ tử phải đạt 3 con 10 mới thi đỗ được ngành này.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học lên tới 30 điểm!
Với các ngành hot của các trường top đầu khác, tuy không lấy điểm chuẩn kịch sàn 30, nhưng muốn thi đỗ, thí sinh (nếu không có điểm cộng) cũng phải đạt tối thiểu 1 con 9, 2 con 10, tức tổng điểm 29 thì mới thi đỗ.
27 điểm, trượt 9 nguyện vọng
Từ tối ngày 15/9 đến sáng nay, rất nhiều sĩ tử đã bày tỏ sự tiếc nuối vì không thi đỗ đại học NV1 và thậm chí trượt hết tất cả nguyện vọng. Một trong những câu chuyện gây bão nhất mùa tuyển sinh này là việc: Một thí sinh đạt tới 27 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Được biết, em này đăng ký tới 9 nguyện vọng nhưng toàn bộ đều là các ngành hot của Đại học Ngoại thương (FTU) và Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU).
Theo đó, điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương năm nay dao động từ dao động từ 28,05 - 28,55. Xét thang điểm 40, Ngôn ngữ Trung cao nhất - 39,35, trung bình hơn 9,8 điểm một môn. Các ngành còn lại đều ở mức 36,75 - 37,55. Còn điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân từ 26,90 (hệ số 1) - 37,30 (hệ số 2). Những ngành hot đều lấy trên 27 điểm.
Điểm chuẩn Đại học Ngoại thương năm 2021.
Điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân 2021.
Bên cạnh những lời chia buồn, an ủi thì nhiều ý kiến cũng chỉ ra, nam sinh này đã mắc phải một số sai lầm khi đăng ký nguyện vọng.
Thứ nhất, em chưa đánh giá đúng mức điểm của mình. Sau khi các tỉnh thành công bố điểm thi tốt nghiệp THPT và Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm toàn quốc, có thể thấy mặt bằng chung điểm năm nay rất cao. Ở tất cả các khối, phổ điểm thi đều lệch phải. Các chuyên gia tuyển sinh đều dự báo: Điểm chuẩn đại học năm nay sẽ tăng, đặc biệt ở các trường top giữa. Tất nhiên các trường top đầu cũng sẽ chọn các thí sinh có mức điểm "tinh anh" nhất.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn đại học tăng so với năm 2020 là bởi nhiều trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn khoảng từ 30% - 50%, các chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức khác (như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) tăng lên.
Nếu mọi năm, 27 điểm có thể là rất cao nhưng năm nay lại không. Bởi mặt bằng chung có nhiều em đạt 28 điểm trở lên. Ngay những môn khó đạt điểm trọn vẹn như Văn cũng xuất hiện điểm 10.
Thứ hai, là về cách chọn trường không vừa sức của thí sinh này. Năm 2020, điểm chuẩn Đại học Ngoại thương ngành thấp nhất cũng đã lấy 27 điểm và các ngành học hot đều dao động từ 28 điểm trở lên. Vậy nên với mức điểm 27, sĩ tử này khó mà thi đỗ vào trường, chứ chưa nói đến ngành hot.
Tương tự với Đại học Kinh tế Quốc dân, mức điểm chuẩn năm 2020 một số ngành hot cũng từ 27,90 trở lên.
Điểm chuẩn Đại học Ngoại thương năm 2020.
Điểm chuẩn Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2020.
Thứ ba, sĩ tử này đã dồn hết nguyện vọng vào Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại thương - Hai ngôi trường top đầu, có mức cạnh tranh cực kỳ cao. Việc này chẳng khác nào... không chừa đường lui cho bản thân.
Lứa sĩ tử 2k4, 2k5 cần đăng ký nguyện vọng sao cho đúng?
Nói về điều này, nhà văn Bùi Ngọc Phúc - tác giả 2 cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn Kỳ thi vào 10" chia sẻ: "Đây là vấn đề tôi đã đề cập nhiều lần. Nhiều sĩ tử chọn FTU và NEU nhưng không cân nhắc phương án dự phòng.
Trước hết phải chọn ngành rồi đến chọn trường. Cùng ngành đó sẽ chọn trường tương đương điểm chuẩn có tham chiếu của năm trước, sau đó chọn ngành mình yêu thích ở những trường có điểm chuẩn thấp hơn. Nguyên tắc không "bỏ trứng một giỏ" là vậy. Thí sinh không nên cố chọn trường để vào học bằng mọi giá, bởi rủi ro quá cao".
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, nhiều thí sinh năm nay đạt điểm cao nhưng vẫn thi trượt, một phần cũng bởi cách tổ chức thi của Bộ Giáo dục. Đề và điểm không phân loại được thí sinh. Nói về vấn đề này, anh Bùi Ngọc Phúc chia sẻ quan điểm: "Thật ra Bộ chỉ quản lý điểm sàn, điểm chuẩn từng ngành và phương án xét tuyển do các trường tự quyết. Mấy năm nay nhiều trường dành chỉ tiêu tuyển thẳng kết hợp xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Việc thí sinh đạt 27 điểm vẫn trượt hai ngôi trường đại học hàng top là điều đáng tiếc, nhưng lỗi trước hết chính là em đó nắm thông tin không chuẩn, hoặc nghe tư vấn sai. Bởi vậy công tác tư vấn chọn ngành, chọn trường rất quan trọng. Về phía Bộ, chắc chắn sẽ phải cải tiến công tác ra đề, thậm chí khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng đề thi của riêng mình".