Monday, Jan 23, 07:01 AM

Dệt may tìm về thị trường nội địa

Nhận định thị trường trong nước đầy tiềm năng, nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch mở rộng điểm bán và gia tăng nhãn hàng nhằm chạy đua thị phần trong nước.

Dệt may tìm về thị trường nội địa
Dệt may tìm về thị trường nội địa
det-may-t236m-ve-thi-truong-noi-dia_1.jpg
Sản phẩm dệt may trong nước được người tiêu dùng lựa chọn.

Thay đổi để phát triển

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với tiềm năng gần 100 triệu dân, thị trường may mặc có giá trị hàng tỷ USD đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp (DN) khai thác. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, thị trường nội địa với quy mô gần 5 tỷ USD đang được DN nội hướng đến. DN may Việt Nam đang thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường. Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, thị trường may mặc Việt được dự báo đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2025 và còn nhiều dư địa để khai thác.

Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường mở rộng kinh doanh ở thị trường nội địa khi nhận thấy kết quả kinh doanh trong năm 2022 của thị trường trong nước tăng trưởng 300% so với năm trước đó. Xác định thị trường trong nước đầy tiềm năng, Việt Thắng Jean cố gắng nâng thị phần nội địa lên 5% trong năm 2023, đến năm 2024 đạt 7%, thay vì 2 – 3% như hiện nay.

“Nhãn hàng V-Sixtyfour của chúng tôi kẹt hàng ở EU, nếu không có thị trường nội địa thì gặp khó khăn rất nhiều. Theo tôi, thị trường may mặc trong nước rất tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất thời trang khai thác”- đại diện công ty cho biết.

Với mong muốn phát triển thị trường trong nước, Tổng Công ty cổ phần may Việt Tiến tổ chức khai trương Trung tâm Viettien Mall (Quận 12, TPHCM). Đây là trung tâm đầu tiên sau chuỗi cửa hàng Viettien House của Việt Tiến. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến cho rằng, chất lượng của sản phẩm Việt Tiến đã khẳng định uy tín, vị thế trên toàn cầu cũng như thị trường trong nước.

Trong cuộc đua trên thị trường sân nhà, May 10 cũng có hơn 20 nhãn hiệu, 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 khẳng định, sẽ đẩy mạnh tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước. Hiện tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa của đơn vị sản xuất. Thời gian qua, May 10 liên tục phát triển nhãn hàng thời trang mới. Cụ thể, khai thác dòng thời trang cao cấp dành cho nữ giới và thời trang nam cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại.

Nhận rõ tiềm năng của thị trường may mặc, không chỉ DN may mặc trong nước, những năm gần đây hàng loạt thương hiệu lớn của các nước lần lượt đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Hàng trăm thương hiệu thời trang các nước từ trung bình đến cao cấp đã có mặt ở Việt Nam như: Mango, Chanel, Zara, H&M, Uniqlo,... Đáng chú ý, tại các trung tâm thương mại lớn khu vực quận 1 (TPHCM), các chuỗi cửa hàng thương hiệu tên tuổi trên thế giới phát triển khá quy mô và bề thế. Thậm chí, nhanh chóng tiếp cận nhóm khách hàng trẻ với kiểu dáng thay đổi liên tục, thiết kế nhanh...

Không ít thách thức

VITAS cho rằng, giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Để phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, chuyển dần sang khai thác thị trường nội địa. Hiện hàng loạt DN xuất khẩu dệt may đang tính đến việc quay trở lại thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đơn hàng sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, với thị trường trong nước, DN cũng gặp không ít thách thức. Đơn cử, khi tiếp cận thị trường nội địa, DN buộc phải chi phí cao hơn cho hoạt động quảng bá, khuyến mãi, hậu mãi,... Đặc biệt khó khăn hơn, khi phát triển thị trường nội địa, DN may mặc phải cạnh trang gay gắt với hàng loạt mặt hàng cùng loại nhưng giá rẻ. Đó là chưa kể đến chuyện sức mua của thị trường trong nước cũng đang sụt giảm.

Theo ông Vũ Đức Giang, VITAS sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp. VITAS thực hiện tốt vai trò kết nối các DN trong nước với nhau tạo thành chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường xuất khẩu. Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ DN về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu... Ông Giang cho rằng, trong khó khăn nhiều DN may như Việt Tiến, May 10, An Phước, Nhà Bè... vẫn tăng trưởng tốt sẽ là sự tham khảo cho các DN trong ngành. Ông Giang cũng đề xuất, giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên liệu trong nước. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp bán hàng theo thiết kế, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ giảm thuế hoặc hoãn thuế cho DN ở thời điểm này và tìm nguồn tài chính cho doanh nghiệp với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, phát triển bền vững.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho rằng, người tiêu dùng trong nước không quá khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm. Nhưng dự báo, sức mua trong nước cũng sụt giảm vì kinh tế Việt Nam không thể tách rời với kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam cũng bị tác động mạnh từ khủng hoảng của các nước. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế lưu ý, DN cần xem thị trường trong nước là thị trường chiến lược lâu dài, không phải vì xuất khẩu khó mới tính chuyện bán hàng cho thị trường trong nước. DN cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng, sức mua của thị trường nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu trong nước. Riêng khâu phân phối cũng cần có hình thức thích hợp, tránh qua nhiều lớp trung gian.

THANH GIANG
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/det-may-tim-ve-thi-truong-noi-dia-5708372.html Copylink