Mặt trái của mua sắm trực tuyến
Dịch Covid-19 bùng phát, các kênh thương mại điện tử đã trở nên thông dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà kênh mua sắm này mang lại, người tiêu dùng cũng gặp không ít phiền hà, thậm chí còn bị bên bán hàng lừa với nhiều chiêu trò tinh vi....
Số lượng khiếu nại tăng mạnh
Nhiều người tiêu dùng phản ánh về việc, họ đặt mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng lại nhận được sản phẩm khác hoàn toàn sản phẩm họ đã đặt trước đó. Như trường hợp của chị Vũ Thị Hạnh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), sau khi đặt một đôi giày trên một sàn thương mại điện tử với giá 720.000 đồng, thì ngay ngày hôm sau chị nhận được cuộc điện thoại giao hàng.
Tuy nhiên khi mở ra, chị Hạnh té ngửa vì thấy sản phẩm khác hoàn toàn với sản phẩm chị đặt. Chị mở xem lại hành trình của đơn hàng trong tài khoản cá nhân thì thấy, sản phẩm vẫn đang trong quá trình lấy hàng. Tức tốc liên hệ lại với số điện thoại đã giao hàng, chị nhận được tín hiệu “ngoài vùng phủ sóng”.
Trường hợp của chị Hạnh chỉ là một trong nhiều chiêu trò người tiêu dùng bị lừa khi mua hàng trực tuyến. Điều này cho thấy, các thông tin cá nhân của khách hàng khi đăng ký mua hàng đã bị rò rỉ, và các đối tượng đã tận dụng để lừa khách hàng.
Dịch bệnh khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Người dân chú trọng mua hàng qua kênh trực tuyến nhiều hơn. Lợi ích của việc mua sắm trực tuyến là khá rõ ràng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng vướng phải nhiều pha lừa đảo từ chính các kênh bán hàng trực tuyến.
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian qua, số lượng người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng, thời gian giao hàng khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, đặc biệt trên các trang mạng xã hội như facebook,… đã tăng lên nhanh chóng.
Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã bị lừa đảo, mất tiền mua hàng, khi làm theo yêu cầu của một số đối tượng quảng cáo các chương trình trúng thưởng, may mắn hay mời chào mua hàng qua điện thoại, tin nhắn…
Đáng lo ngại, khi thông tin cá nhân bị rò rỉ, nhiều người tiêu dùng còn bị kẻ gian xâm nhập vào tài khoản cá nhân, đánh cắp thông tin chiếm dụng tiền trong tài khoản gửi ngân hàng. Thực tế này đã được nhà quản lý, ngành ngân hàng nhiều lần cảnh báo.
Rõ ràng, những lợi ích từ các kênh thương mại điện tử mang lại là không nhỏ, song bên cạnh đó mặt trái của việc mua sắm trực tuyến cũng bộc lộ rất rõ. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, lợi dụng Covid-19 hoành hành, tâm lý người dân hoang mang, nhiều đối tượng còn trà trộn hàng giả, hàng nhái đưa lên bán trên các kênh thương mại điện tử hòng thu lợi bất chính.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ
Nói về thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, vẫn có nhiều vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, quảng bá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…
Theo cơ quan chức năng, trên thực tế, số gian hàng điện tử vi phạm đã lên đến hàng nghìn và số sản phẩm vi phạm lên tới hàng chục nghìn.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), trong thời gian qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ trì và phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục An toàn thực phẩm triển khai nhiều vụ việc như yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm trên các sàn và website thương mại điện tử lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục đã có văn bản sớm yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid - 19 như kit test, thiết bị đo SPO2... có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
“Cục đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để rà soát các website, ứng dụng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, Cục cũng hỗ trợ nhiều đơn vị xử lý phản ánh về hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ liên quan lĩnh vực thực phẩm như: sản phẩm Obagi, Doppelherz, Herbalife…”, bà Huyền cho biết.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc quảng cáo sai sự thật, nhắn tin lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân… là thủ những đoạn hết sức tinh vi, cần được người tiêu dùng nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi khối lượng giao dịch ngân hàng theo phương thức online là rất lớn.
“Do đó, khi nhận được những tin nhắn như trên, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng, tổ chức… để phát hiện các tin nhắn giả mạo. Không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn” - Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.
Ngoài ra, khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người tiêu dùng có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, tổ chức…để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng, tổ chức…và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra lợi thế cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các nhu cầu của người tiêu dùng, tận dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ và thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa có thương hiệu, chất lượng tốt, giá phù hợp…
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử như đào tạo cho các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý Nhà nước để hiểu và xử lý vi phạm. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.